60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam - Bài 2: Chung tay khắc phục hậu quả chiến tranh

Chất độc hóa học dioxin gây ra nỗi đau khủng khiếp và nguy hiểm không gì sánh được đối với những nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Nỗi đau ấy đẩy các nạn nhân vào hoàn cảnh cùng cực, để lại di chứng qua nhiều thế hệ. Chính phủ Việt Nam cùng các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đã có nhiều hoạt động, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam để phần nào chia sẻ, xoa dịu nỗi đau của họ.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis thăm địa điểm xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, Đồng Nai. Nơi Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai dự án (năm 2018). Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Nhiều chính sách nhân văn, kịp thời

Khi chiến tranh còn đang diễn ra và ngay sau khi kết thúc, Đảng, Nhà nước, Quân đội, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương đã dự báo được nguy cơ, hậu quả của chất độc hóa học do quân đội Mỹ và đồng minh gây ra đối với môi trường, con người, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Một số tổ chức, đơn vị đã được thành lập, bổ sung thêm nhiệm vụ để tiến hành đánh giá, xây dựng kế hoạch, tổ chức xử lý, khắc phục hậu quả chất độc hóa học dioxin, thể hiện rõ quyết tâm, sự chủ động, tích cực của Việt Nam nhằm khắc phục hậu quả, hướng tới tương lai.

Tháng 10/1980, Chính phủ thành lập Ủy ban đặc biệt điều tra hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Ủy ban 10 - 80) nhằm có một cuộc điều tra cụ thể, đầy đủ những tác động tàn khốc của chất độc hóa học lên con người và môi trường tại những vùng đất quân đội Mỹ đã phun rải trong thời gian chiến tranh. Kết quả điều tra của Ủy ban 10-80 đã khẳng định, tác hại của chất độc da cam/dioxin là vô cùng trầm trọng, để lại hậu quả nặng nề và lâu dài đối với con người và môi trường Việt Nam.

Tháng 1/2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được thành lập, trở thành “ngôi nhà chung” của các nạn nhân da cam. Đây được coi là bước tiến quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước với nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc hóa học; hỗ trợ đời sống tinh thần, vật chất cho nạn nhân da cam.

Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành đã ban hành ra nhiều chủ trương, chính sách, chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến và những người bị nhiễm chất độc hóa học như: trợ cấp thường xuyên và đột xuất; hỗ trợ chăm sóc nuôi dưỡng tại cộng đồng, tại các cơ sở bảo trợ xã hội; hỗ trợ học văn hóa, học nghề, học bổng và tìm kiếm việc làm… Việt Nam tăng cường vận động một số quốc gia, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tham gia giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Chú thích ảnh
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các gia đình có nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin tại thị xã An Nhơn, Bình Định (năm 2019). Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Đấu tranh vì công lý

Từ tháng 10/1961, Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) đã gửi công hàm cho 103 nước trên thế giới tố cáo Hoa Kỳ sử dụng chiến tranh hóa học ở miền Nam Việt Nam. Từ đó, những hoạt động trên mặt trận đấu tranh chính trị, xã hội, khoa học, văn hóa đã thức tỉnh lương tri của nhân loại tiến bộ. Nhiều nhà khoa học, luật gia, sử gia, nhà bác học có tên tuổi, nhà báo thuộc nhiều nước, kể cả nước Mỹ, đã liên tiếp lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh hóa học của quân đội Mỹ và đồng minh ở miền Nam Việt Nam.

Ngay sau khi thành lập, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và một số nguyên đơn đã gửi đơn đến Tòa án quận Brooklyn, New York, Hoa Kỳ kiện 37 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam chia sẻ, vụ kiện đã bị tòa án Mỹ từ chối thụ lý. Tuy chưa đạt được mục đích, nhưng vụ kiện đã đạt được một thành công lớn đó là giúp nhân dân các nước trên thế giới hiểu rõ hơn về thảm họa chất độc da cam đối với môi trường, sức khỏe con người nói chung và con người Việt Nam nói riêng. Cuộc đấu tranh đã khơi dậy một phong trào quốc tế ủng hộ mạnh mẽ không chỉ cho nạn nhân da cam mà còn cho cả các nạn nhân ở những nước từng tham chiến cùng Mỹ trong chiến tranh Việt Nam…

Sau cuộc đấu tranh của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, năm 2015, bà Trần Tố Nga, Việt kiểu đang sinh sống tại Pháp đã đệ đơn lên Tòa Đại hình Evry vùng Essonne (Pháp) khởi kiện 26 công ty hóa chất Mỹ từng cung cấp chất khai quang cho Chính phủ Mỹ để phun rải trong chiến tranh tại Việt Nam. Bà Nga từng là phóng viên của Thông Tấn xã Giải phóng, tham gia chiến đấu vì nền độc lập của đất nước và bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trong thời gian này. Chất độc da cam đã khiến bà Nga mắc nhiều trọng bệnh; các con của bà, người mất sớm, người bị nhiều di chứng.

Cuộc đấu tranh trường kỳ đầy gian khó của bà Nga đã bị Tòa Đại hình Evry bác bỏ với lý do không có thẩm quyền xét xử một vụ án liên quan đến các hành động trong thời kỳ chiến tranh của Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, bà Nga đã yêu cầu các luật sư kháng cáo và khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện lịch sử này.

Các cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam tuy chưa đạt được mục đích bắt các công ty hóa chất của Mỹ phải chịu trách nhiệm trước những hành động của mình nhưng cuộc đấu tranh này đã góp phần thức tỉnh nhân loại về tác hại của chất độc dioxin và được các tầng lớp nhân dân thế giới tích cực ủng hộ.

Hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả

Với sự hỗ trợ của  một số Chính phủ và tổ chức quốc tế, Chính phủ và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động điều tra, nghiên cứu, xử lý, khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin trong chiến tranh. Hoạt động đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tạo môi trường ổn định để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tính đến tháng 6/2021, các dự án hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với các chính phủ và tổ chức quốc tế đã tiến hành xử lý triệt để khoảng 90.000 m3 đất, trầm tích nhiễm dioxin; cô lập và quản lý an toàn khoảng 50.000 m3 đất, trầm tích nhiễm dioxin nồng độ thấp ở khu vực sân bay Đà Nẵng, bàn giao hơn 32 ha đất an toàn sau khi xử lý cho địa phương.

Chôn lấp cô lập hơn 7.500 m3 đất ô nhiễm có nồng độ ô nhiễm dioxin cao trên 1.000ppt và xây dựng Hệ thống quan trắc nước ngầm, nước mặt, không khí ở sân bay Phù Cát (Bình Định). Xây dựng công trình chống lan tỏa tạm thời dioxin và hệ thống quan trắc nước ngầm, chôn lấp và cô lập khoảng 150.000m3 đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai)...

Chú thích ảnh
Sáng 20/4/2019, tại Đồng Nai, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam tổ chức Lễ khởi động Dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa - điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất ở Việt Nam. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đoàn Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, do Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Hoa Kỳ dẫn đầu, tham dự buổi lễ. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN

Đặc biệt, trong những năm qua, Chính phủ Hoa Kỳ đã đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong việc nghiên cứu về ảnh hưởng của chất độc hóa học dioxin; tham gia tích cực các hoạt động nhằm khắc phục hậu quả chất độc hóa học dioxin.

Tính đến tháng 5/2020, Quốc hội Hoa Kỳ đã phê duyệt tổng kinh phí 328 triệu USD để Chính phủ Hoa Kỳ phối hợp với Chính phủ Việt Nam khắc phục hậu quả chất độc hóa học dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Tính đến tháng 4/2020, Quốc hội Hoa Kỳ đã phê duyệt hơn 80 triệu USD để Chính phủ thực hiện các dự án hỗ trợ người khuyết tật ở Việt Nam, trong đó có nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Theo Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, thời gian tới, Chính phủ hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ xử lý, khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin ở Việt Nam.

Trong đó, trọng tâm là những kế hoạch, chương trình dự án hợp tác đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để chất độc hóa học/dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), Phù Cát (Bình Định); tổ chức quan trắc môi trường tại các vùng bị ô nhiễm nặng bởi chất độc hóa học/dioxin; đẩy mạnh việc nghiên cứu công nghệ xử lý chất độc hóa học/dioxin; nâng cao năng lực phân tích dioxin trong môi trường và cơ thể con người; hỗ trợ y tế cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin; tổ chức đánh giá và công bố kết quả thực hiện của dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Đà Nẵng...

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ: Hành trình của chúng ta là một hành trình chính nghĩa! Tôi đã gặp rất nhiều quan chức và người dân khác nhau của nhiều nước, trong đó có cả người dân Mỹ, tướng lĩnh sỹ quan của Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam cũng như những sỹ quan cao cấp, nhà chính trị Mỹ đang đương chức nhưng chưa thấy một ai phủ nhận thảm họa da cam do Mỹ đã gây ra ở Việt Nam. Không ai lắc đầu trước những trách nhiệm của họ đối với những gì mà người dân Việt Nam phải gánh chịu. Họ có chung mong muốn làm sao để làm dịu nỗi đau da cam, không để nỗi đau này là sự nhức nhối của nạn nhân da cam và nhân loại. Đây chính là động lực lớn để Việt Nam thành công trong hợp tác quốc tế nhằm khắc phục hậu quả của chiến tranh.

Bài 3: Vươn tới khát vọng 

Minh Huệ (TTXVN)
60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam - Bài 1: Cuộc chiến thảm khốc
60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam - Bài 1: Cuộc chiến thảm khốc

60 năm kể từ ngày quân đội Mỹ phun rải hàng triệu lít chất độc hóa học cực độc xuống nhiều nơi ở miền Nam Việt Nam, cho đến nay, sự hủy diệt tàn khốc của những chất độc ấy vẫn còn hiển hiện, âm thầm phá hoại môi trường sống và cướp đi tính mạng của nhiều thế hệ nạn nhân da cam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN