Từ ngày 25 - 30/12/1920, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp) tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc ủng hộ Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa; tán thành việc thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và cũng là người Cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Giáo sư Phan Kim Nga khẳng định những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của Việt Nam, mà còn tác động sâu sắc đến cuộc đấu tranh chống thực dân trên thế giới và phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới. Người đã có những đóng góp quan trọng cho Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo phong trào giành độc lập, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đấu tranh chống Pháp và chống Mỹ; cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Người lãnh đạo Việt Nam trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội về chính trị, kinh tế, văn hóa, thực hiện cải cách ruộng đất, xóa đói giảm nghèo và chính sách đoàn kết dân tộc.
Trên trường quốc tế, Người kiên trì tinh thần chủ nghĩa quốc tế, gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, tích cực hợp tác với lãnh đạo các nước xã hội chủ nghĩa khác và có quan hệ mật thiết với cách mạng Trung Quốc. Cùng với Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và các nhà cách mạng thế hệ trước, Người đã xây dựng nên tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam vừa là đồng chí, vừa là anh em, cho đến nay vẫn là tài sản tinh thần quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.
Với tư cách là đại biểu của Quốc tế Cộng sản, Hồ Chí Minh ủng hộ các phong trào cách mạng ở các nước, đặc biệt tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống thực dân và phong trào cách mạng vô sản ở Trung Quốc, Lào và Campuchia. Giáo sư Phan Kim Nga tin rằng: “Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người cộng sản trên toàn thế giới, trong đó có Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc, cùng những người yêu chuộng hòa bình và tiến bộ, vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh!”
Theo Giáo sư Phan Kim Nga, dù trong thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa hay đổi mới xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, địa vị anh hùng dân tộc và lãnh tụ tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ bị lung lay. Năm 2019, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã vinh danh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất”, đánh dấu sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp lịch sử của ông. Giáo sư Phan Kim Nga chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ rõ, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đã sang Hà Nội dự hội thảo khoa học quốc tế do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức. Các học giả Cộng sản và Marx từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, Lào, Pháp, Anh và Mỹ Latinh, đã bày tỏ lòng kính trọng sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại hội thảo, các đại biểu bày tỏ lòng kính trọng sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và cảm nhận sâu sắc rằng sức hấp dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với vai trò là một Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất vẫn tiếp tục tỏa sáng trong thời đại mới”.
Đề cập đến tinh thần đoàn kết theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư Phan Kim Nga cho rằng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, sau một thời gian đấu tranh lâu trường kỳ và gian khổ, ngày 30/4/1975, Việt Nam đã hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chứng minh bằng thực tiễn câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!”. Đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam là sự bảo đảm lớn nhất cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Việt Nam sắp bước vào “kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” và đang đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói trong một bài viết đăng cách đây không lâu rằng mọi người con đất Việt – dù sinh sống ở đâu, dù quá khứ thế nào – đều có thể đồng hành, chung sức, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng cho dân tộc, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phát triển vào giữa thế kỷ này.
Giáo sư Phan Kim Nga cũng nhấn mạnh kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là nội hàm quan trọng trong Tư tưởng Hồ Chí Minh và là tổng kết kinh nghiệm thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: "Kỷ nguyên mới mà chúng ta đang bước tới – với công nghệ trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh và phát triển bền vững – đòi hỏi phải có tư duy mới, mô hình phát triển mới, con người mới... lịch sử đã chứng minh: dân tộc Việt Nam chưa từng lùi bước trước gian nan, khó khăn, thách thức. Vấn đề là chúng ta có đủ dũng khí để thay đổi, đủ ý chí để vươn lên, và đủ đoàn kết để biến khó khăn thành động lực phát triển hay không".
Giáo sư Phan Kim Nga nhấn mạnh: “Tôi tin rằng nhân dân Việt Nam sẽ ghi nhớ di nguyện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục đoàn kết, viết nên trang sử mới cho sự phát triển vẻ vang của dân tộc Việt Nam, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, phồn vinh, văn minh vào giữa thế kỷ này, thực hiện được mong ước ấp ủ từ lâu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việt Nam có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu!”.