Yếu tố tác động tích cực tới kênh chứng khoán năm 2025

Tiếp nối đà tăng trong 2 tuần cuối cùng của năm Giáp Thìn, VN-Index tiếp tục có tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp, khởi đầu cho một năm mới Ất Tỵ được kỳ vọng tươi sáng hơn với thị trường chứng khoán. Giới phân tích nhận định năm 2025, sẽ có yếu tố tác động tích cực đến các kênh tài sản; trong đó có chứng khoán.

Chú thích ảnh
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường. Ảnh tư liệu: TTXVN

Bối cảnh giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư nội

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) cho biết, kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu tuần giao dịch mới với một phiên giảm điểm mạnh do ảnh hưởng từ việc Mỹ tuyên bố áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc.

Tuy nhiên, thị trường đã nhanh chóng ổn định trở lại và phục hồi trong phiên ngày thứ Ba khi Mỹ tuyên bố hoãn thực thi việc áp thuế đối với Canada và Mexico trong vòng 1 tháng.

Thị trường tiếp tục tăng điểm trong 3 phiên cuối tuần và chỉ số VN-Index chốt tuần tại mốc 1.275 điểm, tăng nhẹ 0,7% so với mức đóng cửa trước nghỉ lễ. Đã có thời điểm chỉ số VN-Index gần chạm ngưỡng 1.280 điểm trong phiên cuối tuần. Thị trường được hỗ trợ từ những thông tin tích cực trong nước, bao gồm việc Chính phủ dự kiến trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ mức 6-6,5% lên 8% và nới chỉ tiêu lạm phát (CPI) lên mức 4,5-5%.

Có thể thấy rằng Chính phủ đang rất quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng và điều này hàm ý rằng các chính sách tài khóa và đặc biệt là chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được mở rộng mạnh mẽ trong năm 2025. Xu hướng này sẽ có tác động tích cực đến các kênh tài sản; trong đó có chứng khoán.

Đồng thời, số liệu vĩ mô tháng 1 được Tổng cục Thống kê công bố vào ngày 6/2 cho thấy khởi đầu khá tích cực của nền kinh tế trong năm 2025.

Mặc dù chịu ảnh hưởng từ kỳ nghỉ dài ngày, hoạt động sản xuất công nghiệp (IIP) và vốn đầu tư công thực hiện vẫn tăng trưởng dương so với cùng kỳ dù số ngày làm việc ít hơn.

Có thể thấy rằng guồng quay tăng trưởng kinh tế đã tăng tốc ngay từ thời điểm đầu năm nay chứ không “chậm chạp do có tâm lý nghĩ lễ” như các năm trước.

Bối cảnh hiện tại đang giúp cải thiện tâm lý của các nhà đầu tư nội. Bước sang tuần giao dịch tới, chỉ số VN-Index sẽ kiểm định vùng kháng cự 1.280-1.300 điểm. Đây là vùng kháng cự rất mạnh mà VN-Index chưa thể vượt qua trong năm 2024.

Trong bối cảnh khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng và dòng tiền nội chưa thể đủ lực một mình kéo thị trường, thị trường chưa thể tăng ngay mà cần tích lũy tại vùng này trong một thời gian nữa trước khi xuất hiện những thông tin hỗ trợ đủ mạnh và hội tụ đủ sức bật để vượt qua vùng kháng cự mạnh kể trên.

Do đó, thị trường có thể đi ngang tích lũy và dòng tiền sẽ luân chuyển nhanh giữa các nhóm cổ phiếu để tìm kiếm các cơ hội ngắn hạn. VNDIRECT khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và xem xét cơ cấu danh mục đầu tư, ưu tiên những nhóm đang có thông tin hỗ trợ mạnh như đầu tư công, xây dựng, vật liệu xây dựng, ngân hàng, xuất khẩu dệt may, thủy sản. 

Về diễn biến thị trường, theo Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) phiên mở cửa đầu tiên năm Ất Tỵ, VN-Index giảm điểm khá sâu (0,95%) trước những thông tin mới về thuế quan khiến tâm lý của giới đầu tư lo sợ về cuộc chiến thương mại toàn cầu sẽ tác động tiêu cực đến thị trường tài chính. Nhưng xu hướng tích cực đã hình thành trước đó không dễ gì bị phá bỏ trong một phiên giảm điểm, VN-Index nhanh chóng lấy lại tín hiệu tích cực nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn của các doanh nghiệp niêm yết (tăng trưởng lợi nhuận sau thuế toàn thị trường trong quý IV/2024 tăng 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái) với 4 phiên tăng điểm liên tiếp.

Đóng cửa tuần giao dịch đầu năm mới Ất Tỵ, VN-Index tăng 10,15 điểm, dừng lại ở mốc 1.275,2 điểm. Thanh khoản khớp lệnh rất khởi sắc trong năm mới Ất Tỵ 2025. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh tuần qua đạt 2,71 tỷ cổ phiếu tăng mạnh 26% so với tuần trước và vượt mức bình quân 20 tuần (tăng 2,7%).

Trong tuần, có 18/21 nhóm ngành tăng điểm. Biên độ tăng mạnh thuộc về các nhóm cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ như: Cảng biển tăng 4,24%, đường (4,15%), bảo hiểm (3,3%), phân bón (2,73%)…

Bên cạnh đó, các nhóm vốn hóa lớn và nhạy với thị trường cũng có tuần giao dịch khởi sắc như: Ngân hàng tăng 1,76%, chứng khoán (1,43%)… Áp lực giảm giá chỉ phủ bóng trên 3 nhóm ngành: Bán lẻ giảm 2,37%, công nghệ viễn thông giảm 3,37%, hàng tiêu dùng giảm 4,09%.

Sau tuần mua ròng trước đó, bước sang tuần mới đầu tiên của năm Ất Tỵ, khối ngoại quay lại trạng thái bán ròng, với mức bán ròng khá lớn 4.146 tỷ đồng trên sàn HOSE; trong đó, tâm điểm bán ròng tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như: MSN bị bán ròng 910 tỷ đồng, VNM (679 tỷ đồng), FPT (643 tỷ đồng), MWG (268 tỷ đồng)…

CSI cho rằng, VN-Index có 4 phiên tăng điểm liên tiếp khép lại tuần giao dịch đầu tiên của năm mới Ất Tỵ rất khởi sắc. Đáng chú ý là 4 phiên tăng điểm liên tiếp rất sôi động với khối lượng khớp lệnh đều vượt mức trung bình 20 phiên và cao hơn phiên giảm điểm đầu tuần.

Kết thúc tuần giao dịch từ 3 - 7/2, VN-Index tiệm cận vùng đỉnh tháng 12 của 2024 với thanh khoản cải thiện đáng kể so với 4 tuần trước đó. Tuần tăng điểm đầu tiên của năm mới được hỗ trợ của thanh khoản, qua đó củng cố xu hướng tăng điểm đã hình thành trong 2 tuần cuối cùng của năm cũ Giáp Thìn.

Xu hướng tăng điểm đã được xác nhận về thanh khoản và biên độ. Tuy vậy khoảng GAP (một vùng trên biểu đồ giá ở đó giá chứng khoán tăng hoặc giảm so với ngày hôm trước, đóng cửa mà không có giao dịch nào xảy ra ở giữa vùng này) tăng giá được tạo trong tuần qua, mốc 1.265 – 1.266 điểm chưa được kiểm tra lại nên không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện nhịp chỉnh để kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ này mới tiếp tục xu hướng tăng mạnh về phía trước, CSI nhận định.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), xu hướng ngắn hạn VN-Index tăng trưởng trên vùng hỗ trợ quanh 1.260 điểm tương ứng giá trung bình 200 phiên hiện nay. VN-Index quay trở lại vùng giá 1.280 - 1.300 điểm, cận trên của kênh giá tích lũy trung hạn 1.200 - 1.300 điểm. Xu hướng trung hạn tiếp tục xu hướng tích lũy kéo dài từ 2024 đến nay trong vùng 1.200 - 1.300 điểm. Ở thời điểm hiện tại, nên chờ xu hướng trung hạn thoát khỏi trạng thái tích lũy kéo dài hiện nay, dựa trên động lực mới của các yếu tố vĩ mô, doanh nghiệp..., SHS khuyến nghị.

SHS cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường có tính chất đầu cơ hơn khi nhà đầu tư đang gia tăng giao dịch ở các mã chưa tăng nhiều, thanh khoản ở mức thấp... Thị trường sẽ phân hóa mạnh hơn khi VN-Index hướng đến vùng giá 1.280 - 1.300 điểm. Đây không phải là vùng giá hấp dẫn để xem xét gia tăng tỷ trọng. Nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua đuổi, chọn lọc cẩn thận đối với các vị thế mua khi VN30, VN-Index hướng đến vùng kháng cự mạnh, xem xét đánh giá cơ cấu danh mục ngắn hạn, SHS khuyến nghị.

Thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn trên đà hồi phục dù thị trường chứng khoán thế giới diễn biến không mấy tích cực.

Chỉ số Dow Jones dứt chuỗi ba tuần tăng điểm

Cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều giảm điểm khi đóng cửa phiên 7/2, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố kế hoạch áp thuế quan đối với nhiều quốc gia vào tuần tới, cùng với dữ liệu việc làm và niềm tin tiêu dùng yếu.

Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 444,23 điểm, hay 0,99%, xuống 44.303,40 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 57,58 điểm, tương đương 0,95%, xuống 6.025,99 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 268,59 điểm, hay 1,36%, xuống 19.523,40 điểm.

Trước đó trong phiên này, một khảo sát cho thấy niềm tin tiêu dùng của Mỹ đã bất ngờ giảm trong tháng Hai xuống mức thấp nhất trong bảy tháng. Bên cạnh đó, các mức dự báo về lạm phát tăng vọt, với những hộ gia đình dự đoán lạm phát trong năm tới sẽ tăng lên 4,3% - mức cao nhất kể từ tháng 11/2023.

Một báo cáo khác cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ đã giảm tốc nhiều hơn dự đoán trong tháng Một, sau khi tăng trưởng mạnh mẽ trong hai tháng trước đó, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp 4% có thể cho phép Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất ổn định ít nhất cho đến tháng Sáu.

Ông Mark Hackett, trưởng chiến lược gia thị trường tại công ty bảo hiểm và dịch vụ tài chính Nationwide, nhận định rằng tâm lý thị trường đã bị ảnh hưởng tiêu cực ngay từ đầu phiên bởi báo cáo việc làm và sau đó nhanh chóng chuyển sang lo ngại về vấn đề thuế quan.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/2 cho biết ông sẽ công bố mức thuế quan “có đi có lại” đối với nhiều quốc gia vào tuần tới. Ông Trump không nêu rõ quốc gia nào sẽ bị ảnh hưởng nhưng cho biết đây sẽ là kế hoạch áp thuế quan trên diện rộng và có thể góp phần giải quyết vấn đề ngân sách của Mỹ.

Các nhà phân tích của ngân hàng Citi lưu ý nếu những loại thuế quan vẫn tiếp tục được áp dụng, thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục giảm và các hiệu ứng lạm phát sẽ xuất hiện.

Văn Giáp (TTXVN)
Chứng khoán tăng 3 phiên liên tiếp, khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng
Chứng khoán tăng 3 phiên liên tiếp, khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng

Thị trường chứng khoán dù không quá sôi động, nhưng vẫn “lầm lũi” đi lên. Hôm nay 7/2, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng điểm, đây cũng là phiên thứ 3 liên tiếp chỉ số này chốt phiên trong sắc xanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN