Các hình thức hỗ trợ cũng hết sức đa dạng, phong phú, qua đó thể hiện vai trò cầu nối của thương vụ Việt Nam tại các nước với doanh nghiệp trong nước.
Một trong những hoạt động luôn được các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài chú trọng là đẩy mạnh phối hợp với cơ quan chức năng trong nước tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp hiểu rõ các quy định liên quan của mỗi nước.
Theo Tham tán Nông nghiệp tại EU và Bỉ Trần Văn Công, cơ quan thương vụ coi nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên là cập nhật các quy định mới, những tiêu chuẩn mới về hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong nông nghiệp và các quy định liên quan khác của EU có ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam để khuyến cáo doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong nước, qua đó giúp họ chủ động về sản xuất, xuất khẩu và tránh các rủi ro khi xuất khẩu sang EU.
Thương vụ cũng tăng cường tìm kiếm các đối tác nhập khẩu tại EU, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp các thông tin về thị trường và nhà nhập khẩu. Cùng với đó, thương vụ phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và phổ biến tới doanh nghiệp những nghiên cứu thị trường chuyên đề về các sản phẩm thế mạnh xuất khẩu sang EU, cập nhật thông tin và những thay đổi diễn biến thương mại, giúp doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh các hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tín hiệu của thị trường.
Thứ hai là tăng cường hỗ trợ tổ chức các sự kiện, giúp các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp truyền thông, quảng bá hình ảnh thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý Việt Nam, gắn kết, triển khai các sự kiện văn hóa ẩm thực, quảng bá nông sản, sự kiện ngày/tuần lễ nông sản Việt, tham gia các hội chợ, triển lãm, sự kiện xúc tiến thương mại chuyên ngành lớn về nông sản thực phẩm, tạo kênh trao đổi thông tin thường xuyên, thân thiết và quan hệ vận động với các hiệp hội.
Thương vụ Việt Nam tại các nước châu Âu như Bỉ hay Pháp luôn chú trọng tới những hội chợ uy tín tại thị trường châu Âu để giúp các doanh nghiệp kết nối giao thương, đạt kết quả ngay tại sự kiện, như các hội chợ triển lãm quốc tế chuyên ngành nông thủy sản, rau quả, thực phẩm chế biến... Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương trong công tác thông tin và xúc tiến thương mại - đầu tư, cũng như góp phần giải quyết tranh chấp thương mại tại địa bàn.
Bên cạnh đó, Thương vụ còn chủ động kết nối với các cơ quan trong nước để tổ chức các hoạt động quảng bá hàng Việt Nam theo kênh chợ đầu mối, tổ chức đưa hàng vào hệ thống phân phối của nước sở tại, kết nối các nhà nhập khẩu, bán buôn Pháp với các doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam.
Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức một số hình thức xúc tiến thương mại tại địa bàn như: Tuần lễ hàng Việt Nam tại chuỗi siêu thị Fairprice; Tuần lễ Ẩm thực Việt Nam tại Khách sạn Mandarin, Tuần lễ Cà phê Việt Nam với Hiệp hội Cà phê Singapore… Kế hoạch này dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm nay nếu tình hình COVID-19 tại Singapore được kiểm soát.
Trong bối cảnh nền kinh tế Singapore và thế giới nói chung suy thoái do COVID-19, Thương vụ Việt Nam tại Singapore cũng triển khai hình thức hội chợ online song ngữ Anh - Việt, giúp quảng bá các mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam với đầy đủ hình ảnh sản phẩm, trang trại, cơ sở chế biến để các doanh nghiệp Singapore chủ động tìm được nhà cung cấp theo nhóm ngành hàng trong mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam và ngược lại. Song song với công tác quảng bá, Thương vụ cũng triển khai kênh hỗ trợ các doanh nghiệp gửi hàng mẫu sang Singapore để trưng bày; hỗ trợ vận chuyển hàng mẫu của Việt Nam tới các doanh nghiệp Singapore để dùng thử, đánh giá sản phẩm.
Bên cạnh đó, Thương vụ tại Singapore cũng đẩy mạnh hình thức B2B trực tuyến qua ứng dụng Zoom và hội nghị kết nối doanh nghiệp của các địa phương qua Webinar (Microsoft Team). Qua thí điểm triển khai giao thương trực tuyến, cuối tháng 5 vừa qua, những lô hàng vải thiều đầu tiên của tỉnh Bắc Giang đã được xuất sang Singapore, đánh dấu sự mở cửa cho một mặt hàng trái cây mới của Việt Nam thâm nhập thị trường này. Trong tháng 7, Thương vụ sẽ tiếp tục hỗ trợ 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận tổ chức các hoạt động kết nối trực tuyến tương tự.
Triển khai đồng bộ hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá về nông sản Việt Nam nói chung và từng nhóm sản phẩm bằng nhiều hình thức đa dạng cũng được Thương vụ Việt Nam tại Mỹ triển khai mạnh mẽ nhiều năm nay. Theo Tham tán công sứ, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Bùi Huy Sơn, cơ quan đã phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành liên quan của Việt Nam trong trao đổi, làm việc với các cơ quan chức năng của Chính phủ Mỹ về các chính sách tạo thuận lợi cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam; phối hợp, hỗ trợ các đơn vị, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, các hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm nhằm tìm kiếm đối tác, kết nối giao thương. Thương vụ cũng hỗ trợ cung cấp thông tin, giúp doanh nghiệp trong nước xác minh đối tác, tìm kiếm thị trường.
Thương vụ Việt Nam tại Australia vừa cho ra mắt ứng dụng Viet-Aus Trade, thể hiện bằng hai ngôn ngữ Anh - Việt, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, kết nối địa phương, giới thiệu tiềm năng, sản phẩm, doanh nghiệp, dự án đầu tư, góp phần kết nối chuỗi cung ứng Việt Nam - Australia. Các loại nông, lâm, thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Australia được quảng bá miễn phí trên ứng dụng này.
Về chiến lược lâu dài, để đảm bảo xuất khẩu bền vững nông thủy sản sang Australia, từ năm 2019, Thương vụ Việt Nam tại Australia xác định hai trụ cột trong quảng bá sản phẩm. Thứ nhất là sử dụng thống nhất slogan “Viet Nam, nourished by nature!” (Việt Nam, quốc gia được thiên nhiên nuôi dưỡng!) để truyền tải thông điệp về một vùng đất phì nhiêu cho ra những sản vật tươi tốt. Thứ hai là, với sự hiện diện tại các quốc gia hàng đầu trên thế giới, như Australia, Mỹ, Nhật Bản…, nông sản Việt Nam đã được bảo chứng về chất lượng.
Dự kiến trong tháng 8/2020, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chính thức khai trương tại thành phố Melbourne, bang Victoria. Trung tâm là sáng kiến hợp tác giữa Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động phi lợi nhuận với mục đích làm cầu nối giữa các nhà nhập khẩu và phân phối ở Australia với các nhà sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh. Khi đi vào hoạt động, trung tâm sẽ là một địa chỉ tin cậy để phổ biến các quy định, quảng bá sản phẩm, kết nối doanh nghiệp, giúp thúc đẩy xuất khẩu bền vững nhiều loại hàng hóa có thế mạnh của các địa phương Việt Nam sang Australia, như nông lâm sản, thủ công mỹ nghệ, đồ nội thất...
Trong hành trình “vươn ra biển lớn” của nông sản Việt Nam, cơ quan thương vụ tại các nước đã trở thành “bạn đồng hành” của các doanh nghiệp, qua đó góp phần đáng kể khẳng định vị thế của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thế giới.