Theo các chuyên gia, hạn chế lớn nhất hiện nay là năng lực chế biến chuyên sâu, chưa phát triển được mạnh về thương hiệu nên xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam dù nhiều về số lượng nhưng giá trị kim ngạch chưa tương xứng, lợi nhuận xuất khẩu phải chia sẻ qua nhiều khâu trung gian.
Đối mặt với rào cản
Theo ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), mặc dù thời gian qua Việt Nam đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực trong xuất khẩu hàng nông sản ở những thị trường lớn nhưng đi liền đó là rất nhiều thách thức và khó khăn.
Bên cạnh những rào cản về cạnh tranh từ quá trình hội nhập, các doanh nghiệp còn phải đối diện với những thách thức nội tại như năng lực chế biến chuyên sâu, chưa phát triển được mạnh về thương hiệu.
Vì vậy, xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam dù nhiều về số lượng nhưng giá trị kim ngạch chưa tương xứng, lợi nhuận xuất khẩu phải chia sẻ qua nhiều khâu trung gian.
Theo ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), Việt Nam đặc biệt có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu nông sản nhiệt đới sang khu vực thị trường EU, do đây là khu vực không có điều kiện sản xuất những mặt hàng nông sản nhiệt đới.
Đặc biệt, khi Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam bởi thuế hàng nông sản giảm sâu, tiếp cận 0-5% trong vòng 7 - 10 năm…
Tuy nhiên, EU là thị trường rất đề cao giá trị ẩm thực, chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm và có quy định rất cao, chặt chẽ về dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nông sản. Điều này sẽ tạo bước cản lớn cho nông sản Việt trên con đường xuất ngoại.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại thị trường này cũng cho hay, EU mới đưa ra chính sách mới trong việc rà soát nông sản và điều chỉnh chặt chẽ quy định về an toàn thực phầm.
Vì thế, khu vực này sẽ gia tăng tần suất kiểm tra, gây bất lợi đến tiến độ xuất khẩu lên 20% và các loại rau gia vị tăng lên 50%.
Hơn nữa, EU cũng đang dự thảo các quy định mới chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn chất lượng đối với một số sản phẩm trồng trọt như hồ tiêu, gia vị.
Cũng theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại EU, riêng với gạo của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU hưởng hạn ngạch quan thuế theo diện các nước thành viên WTO (tổng lượng hạn ngạch rất thấp), trong khi Hoa Kỳ, Thái Lan, Australia được hưởng hạn ngạch riêng.
Không chỉ vậy, Ủy ban châu Âu (EC) còn đang xem xét nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng của chất propiconazole có thể tồn dư trong lúa gạo từ các chế phẩm thuốc trừ sâu. Đây là một loại thuốc trừ nấm được sử dụng rộng rãi trong sản xuất lúa gạo ở nhiều nước như Hungary, Italy, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Uruguay và Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - chuyên gia Tổ chức xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển Hà Lan (CBI) nhấn mạnh, việc doanh nghiệp trong nước không tuân thủ đầy đủ và nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc là khá phổ biến.
Đơn cử như năm nay doanh nghiệp tuân thủ các quy định, đủ điều kiện xuất khẩu nhưng năm tới lại không tuân thủ nữa và bị dừng hợp đồng xuất khẩu. Điều này thể hiện ý thức tự giác tuân thủ quy định của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế và đó cũng chính là rào cản cho mở rộng thị phần của nông sản Việt tại EU.
Là một trong những thương hiệu cà phê rang xay uy tín khi xuất khẩu sang thị trường EU, Công ty TNHH IDD Việt Nam (IDD) đã mạnh dạn đầu tư cho chế biến với công nghệ sản xuất hiện đại. Chính vì lẽ đó, IDD Việt Nam đã cố gắng kiểm soát chất lượng cà phê ngay từ công đoạn trồng đến thành phẩm.
Tuy nhiên, bà Hoàng Thị Minh Tâm - Quản lý phòng Xuất nhập khẩu (IDD) thừa nhận rằng, con đường xuất khẩu cà phê thành phẩm vào thị trường EU còn rất gian nan bởi đây là thị trường nổi tiếng khó tính, đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn, trong khi công ty mới đạt được chứng chỉ rất cơ bản như ISO.
Không những thế, các nhà nhập khẩu EU vẫn có xu hướng nhập nguyên liệu thô do giá rẻ và công nghệ rang, xay cà phê tại các quốc gia này rất tốt. Đây chỉ là một trong số rất nhiều rào cản mà các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam đang gặp phải khi muốn tăng thị phần tại EU.
Vượt lên thách thức
Nhận định về thị trường EU trong thời gian tới, ông Trần Ngọc Quân cho rằng, do kinh tế một số nước thành viên trong khối đang dần hồi phục, nhu cầu tiêu thụ tăng, một số mặt hàng chủ lực như thủy sản, điều, rau quả, cà phê, cao su vẫn giữ mức tăng trưởng xuất khẩu tốt.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực vượt qua thách thức và tận dụng lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn này.
Đánh giá từ các chuyên gia cũng cho thấy phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn chú trọng nhiều hơn đến những thương vụ, đối tượng khách hàng cụ thể và trước mắt, hoàn toàn thiếu một bức tranh toàn cảnh về tiềm năng thị trường.
Chính vì thế doanh nghiệp rất khó xác định được mức ngân sách hoặc những nguồn lực khác như con người, thời gian để dành cho quá trình xúc tiến xuất khẩu.
Mặt khác, doanh nghiệp Việt ngoài việc không có đầy đủ thông tin thị trường, còn thiếu sự tuân thủ về minh bạch và truy xuất nguồn gốc.
Bởi thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp rất nhiều chi phí để có thể áp dụng, tuân thủ một cách có hệ thống và bài bản các quy chuẩn trong toàn bộ hệ thống sản xuất hoặc trong chuỗi cung ứng mà bên nhập khẩu đưa ra.
Đặc biệt, để gia tăng cả về số lượng lẫn giá trị xuất khẩu, doanh nghiệp còn phải đáp ứng các yêu cầu về chuỗi và đẩy mạnh xuất khẩu theo chuỗi.
Các mặt hàng nông sản hiện nay bên cạnh bán nhỏ lẻ bên ngoài nên tìm cách bán trực tiếp cho các hệ thống phân phối như siêu thị để có tính ổn định và bền vững cao hơn. Tuy nhiên, để được vào siêu thị thì ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của EU còn phải đáp ứng được quy định về chuỗi của nhà phân phối.
Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước cần đặc biệt chú ý đến chất lượng sản phẩm. Không chỉ ở giai đoạn vận chuyển mà phải kiểm soát chặt chẽ trong toàn bộ quy trình sản xuất, minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, giúp nhà nhập khẩu thuận lợi phân luồng an toàn thực phẩm.
Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người sản xuất, nông dân thông qua các chương trình tập huấn về sản xuất theo quy chuẩn.
Mặt khác, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, ngành hàng, quốc gia và tiếp tục đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do để tạo cơ hội cho nông sản Việt dễ dàng tiếp cận, tiến vào các thị trường với vị thế cạnh tranh tốt hơn.
Theo ông Hans Farnhammer, Bí thư Thứ Nhất Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, các doanh nghiệp của Việt Nam cần đáp ứng mọi rào cản thương mại nếu muốn giữ vững tốc độ xuất khẩu vào thị trường này, như về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm SPS, đóng gói, duy trì ổn định chất lượng sản phẩm…
Ông Hans Farnhammer cũng lưu ý các doanh nghiệp rằng hiện các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu ngày càng nâng cao, rào cản xuất hiện này càng nhiều. Do vậy, các doanh nghiệp Việt có hệ thống cảnh báo nhanh của EU đối với sản phẩm phi nông nghiệp.
Nếu doanh nghiệp thiếu kiến thức về các rào cản thương mại thì sức mạnh sẽ thuộc về các nhà nhập khẩu, đồng thời làm giảm sự cạnh tranh của hàng hoá tại các thị trường xuất khẩu và không có cơ hội tiếp cận được với những thị trường mới ở châu Âu.
Lo ngại trước những rào cản thương mại đè nặng lên vai các doanh nghiệp, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, trong năm nay, thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào các rào cản thương mại trong thị trường EU. Bên cạnh đó là cơ hội và thách thức trong việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do .
Để đối phó với tình hình này, ông Trần Hữu Huỳnh khẳng định rất cần sự vào cuộc của nhiều ban, ngành trong nước. Vì thế, Nhà nước nên có hệ thống cảnh báo sớm để giúp doanh nghiệp, Hiệp hội có hàng xuất khẩu chủ động tiếp cận thông tin thị trường.
Đặc biệt, với vai trò điều tiết vĩ mô, các đơn vị chức năng cần tạo nền tảng cơ chế chính sách và quy hoạch hợp lý, định hướng cho các doanh nghiệp nông sản và người nông dân có thể khai thác lợi thế, phát huy năng lực sản xuất, khẳng định được vị trí của nông sản Việt Nam trên thị trường EU rộng lớn.