Với kỳ vọng ngành xây dựng “ấm dần” vào cuối năm nay và đầu năm sau, tiêu thụ VLXD dự kiến sẽ bình ổn và tăng trưởng tốt hơn so với các quý trước.
Giá sắt thép thế giới giảm tạo đà cho lực mua
Giá sắt thép toàn cầu đang chững lại. Thị trường sắt thép thế giới đang phải chịu áp lực kép do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và sức tiêu thụ kém sắc tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu hơn 70% lượng quặng sắt của thế giới và sản xuất hơn một nửa lượng thép toàn cầu.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá quặng sắt hiện đang duy trì dưới mức 120 USD/tấn và thấp hơn khoảng 12% so với mức đỉnh đã thiết lập vào tháng 3. Giá thép cuộn cán nóng của Trung Quốc hiện ở mức 3.830 nhân dân tệ/tấn, giảm khoảng 18% từ mức 4.519 nhân dân tệ/tấn vào giữa tháng 3. Trong khi đó, giá thép cây giảm khoảng 20% xuống còn 3.620 nhân dân tệ/tấn.
“Nếu xét theo chiều hướng tích cực, sắt thép neo ở vùng giá thấp sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng nhập khẩu, tích lũy hàng với giá tốt chuẩn bị cho mùa tiêu thụ cao điểm cuối năm”, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam đánh giá.
Thực tế, dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cũng chỉ ra nhập khẩu sắt thép tháng 9 ghi nhận mức tăng khá so với tháng 8 và cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tháng 9/2023, nước ta nhập khẩu 1,4 triệu tấn sắt thép, tăng 9,1% so với tháng 8 và tăng 89% so với cùng kỳ năm trước.
Nhu cầu nguyên vật liệu sẽ theo sau triển vọng ngành xây dựng
Kể từ cuối quý III, tình hình tiêu thụ VLXD ở nước ta đã dần dần cải thiện mở ra nhiều kỳ vọng sáng cửa vào cuối năm. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 9, tiêu thụ thép thô đạt trên 1,7 triệu tấn, tăng 11% so với tháng 8 và tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng với mặt hàng thép xây dựng, sản lượng bán hàng thép xây dựng đạt 958.500 tấn vào tháng 9, tăng 9% so với tháng 8 và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên trong năm nay, bán hàng thép xây dựng tăng trưởng dương và đạt mức cao nhất 9 tháng qua.
Nhận định về thị trường VLXD hiện tại, ông Quang Anh cho biết: “Sau giai đoạn trầm lắng vào mùa mưa, thị trường VLXD, đặc biệt là ngành thép hi vọng sẽ phục hồi trong quý IV. Đây là thời điểm các công trình xây dựng gấp rút hoàn thành cho đúng tiến độ, nhiều dự án trọng điểm quốc gia ở địa phương, các ngành đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, ngành bất động sản cũng được kỳ vọng bớt khó khăn hơn”.
Riêng về công tác giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tính đến hết tháng 9, giải ngân vốn đầu tư công cả nước ước đạt trên 363.000 tỷ đồng, bằng 51,38% kế hoạch, cao hơn khoảng 110.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, điểm sáng là giải ngân trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Hiện nay ngành bất động sản cũng đang có dấu hiệu “ấm dần” nhờ các chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế, khơi thông dòng vốn trên thị trường, đặc biệt, phân khúc nhà ở xã hội và bất động sản công nghiệp có khả năng tăng trưởng khá.
Chủ động cân đối các nguồn cung vật liệu xây dựng
Trong bối cảnh nhu cầu dự kiến tăng cao hơn trong giai đoạn tới, các doanh nghiệp, chủ đầu tư, các đơn vị thi công cần lưu ý tới bài toán cân đối giữ các nguồn VLXD khác nhau.
Về sắt thép, tiêu thụ mặc dù sẽ khó quay lại mức trung bình năm, nhưng sẽ tốt hơn các quý trước đó. Do vậy, áp lực nguồn cung sẽ giảm bớt so với quý trước, các doanh nghiệp thép không còn phải trích lập hàng tồn kho lớn như nửa cuối năm 2022.
Tương tự, về vật liệu xi măng, khả năng cung cấp và sản xuất đáp ứng tốt nhu cầu thi công xây dựng. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng xi măng trên cả nước ước đạt 39 triệu tấn, trong khi tiêu thụ nội địa đạt 29 triệu tấn.
Tuy nhiên, nguồn cung cát, đá xây dựng lại có nguy cơ thiếu hụt do sản lượng khan hiếm và hoạt động khai thác gặp nhiều khó khăn ở nhiều địa phương. Trong nửa đầu năm nay, giá cát, đá xây dựng đã tăng cao hơn khoảng 2% so với giá trong cùng kỳ năm ngoái, do các dự án giao thông trọng điểm được khởi công đồng loạt trên cả nước, trong khi nguồn cung cát, đá không đủ đáp ứng nhu cầu.
Bộ Giao thông vận tải cho biết riêng 10 dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, tổng nhu cầu vật liệu đá cần gần 18 triệu m3 lấy từ 90 mỏ đang khai thác trên tổng trữ lượng gần 168 triệu m3, trong khi tổng công suất khai thác chỉ đạt khoảng 10,5 triệu m3/năm. Tương tự, các vật liệu khác như cát, đất đắp nền, vẫn còn thiếu và đang cần được mở rộng đối với các mỏ chưa khai thác. Việc thiếu vật liệu đắp nền sẽ ảnh hưởng tới tiến trình thi công chung, đặc biệt là các dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông, tiêu biểu là dự án đường cao tốc Bắc Nam.
Do vậy, xét về tổng thể, các đơn vị vẫn cần chủ động cân đối giữa các nguồn VLXD khác nhau nhằm đáp ứng đầy đủ đầu vào cho hoạt động xây dựng, tránh việc thừa vật liệu này, hay thiếu nguyên liệu khác. Đây là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo tốc độ thi công, tiến độ dự án, bao gồm cả các dự án khu vực tư nhân và các dự án đầu tư công.
Hơn nữa, theo tính toán của các chủ đầu tư, với một hợp đồng xây dựng, chi phí VLXD bao gồm sắt thép, xi măng, đá, cát xây dựng… thường chiếm tới 60 - 70%. Do đó, để tránh việc giá vật liệu đầu vào tăng cao khó đảm bảo được biên lợi nhuận, các nhà thầu thi công dự án cần tính trước phương án tích trữ nguồn vật liệu giá tốt ngay từ thời điểm này.