Tạm ngưng giao dịch vì thanh khoản “khủng”
Mới đây nhất, ngày 1/6, Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) buộc phải xin phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tạm ngưng giao dịch buổi chiều vì phiên giao dịch sáng vượt 21.700 tỉ đồng, dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống. Giá đóng cửa được xác định là giá khớp lệnh cuối cùng trong buổi sáng trên sàn HoSE.
Theo các công ty chứng khoán, đây là mức giao dịch chưa từng ghi nhận trong lịch sử giao dịch chứng khoán Việt Nam. Trên thực tế, trong tháng qua, sự bùng nổ giao dịch luôn xuất hiện, khiến hệ thống giao dịch của HoSE luôn chuyển sang trạng thái “đơ”, “nghẽn”. Vì thế, sau khi tạm ngưng buổi chiều 1/6 và sáng ngày 2/6 giao dịch trở lại, hệ thống sàn HoSE vẫn liên tục phát đi tín hiệu bất thường ngay từ đầu phiên. Lệnh vào thị trường chậm, phải mất một thời gian mới có thể khớp lệnh dù sử dụng lệnh thị trường (MP) hay đặt theo mức giá đang có sẵn số dư mua/bán.
Bên cạnh nghẽn lệnh vào thị trường, bảng điện tử còn liên tục đứng hình, có những khoảng thời gian giá trị giao dịch tăng vọt, nhưng cũng có thời điểm giá trị khớp lệnh tụt mạnh. Đến 14 giờ 03 phút, sàn HoSE lại rơi vào trạng thái nghẽn trên diện rộng sau khi giá trị giao dịch đạt 23.830 tỷ đồng.
Theo đó, công ty chứng khoán SSI đã gửi thông báo khuyến nghị các nhà đầu tư hạn chế thực hiện sửa/hủy lệnh sàn HoSE trong những giai đoạn cao điểm, công ty chứng khoán này đã quyết định tạm dừng tính năng sửa lệnh trên hệ thống web, ứng dụng điện thoại từ 10 giờ 45 phút đến hết phiên giao dịch ngày 2/6.
Tương tự, công ty chứng khoán VPS cũng liên tục gửi đến các khách hàng thông báo hủy/sửa lệnh sàn HoSE, đặc biệt tại các khung giờ cao điểm. Trong thông báo gần nhất, công ty chứng khoán này đã tạm dừng lệnh hủy/sửa từ thời điểm thông báo (13 giờ 40 phút) đến 14 giờ.
FPTS cũng tạm thời dừng cả hai tính năng trên cho đến khi có thông báo lại. Tại Chứng khoán BIDV, việc đặt lệnh chờ trong khung giờ nghỉ trưa (11 giờ 30 phút – 13 giờ) cũng phải tạm dừng để giảm thiểu tình trạng nghẽn lệnh của sàn HoSE.
Theo các công ty chứng khoán, không cho phép hủy, sửa lệnh trong phiên từng là một trong các giải pháp tạm thời khi hệ thống sàn HoSE liên tục trong tình trạng quá tải.
Chứng khoán đang trở nên hấp dẫn
Nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng đây là điều bất ngờ vì trong tình hình ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thế nhưng dòng tiền vẫn liên tục đổ về thị trường chứng khoán, các chỉ số chứng khoán trên HoSE cũng giữ vững chuỗi tăng trưởng ấn tượng trong suốt 5 tháng vừa qua.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới hội sở, Chứng khoán Mirae Asset, mặc dù kênh bất động sản vẫn được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng vẫn chưa phải là kênh hấp dẫn, bởi tình hình dịch khó lường, việc thu hồi vốn từ bất động sản không phải là nhanh. Trong khi đó, kênh đầu tư vàng, tiết kiệm, trái phiếu không còn hấp dẫn vì lợi nhuận thấp lại có thời gian đầu tư lâu. Do đó, chứng khoán được xem là kênh hấp dẫn và nóng nhất trong thời gian gần đây.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia chứng khoán – tài chính Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng cho biết, nguyên nhân nhà đầu tư ngày càng đổ tiền vào thị trường chứng khoán bởi đây là kênh kiếm tiền nhanh dù lời không nhiều, lại là kênh hợp pháp, an toàn. Ngoài ra, đây cũng là kênh dễ vay tiền đòn bẩy hơn các kênh đầu tư khác nên thị trường chứng khoán sôi động hơn từ đầu năm đến nay.
Có thể thấy, tính đến cuối tháng 5/2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hơn 3,25 triệu tài khoản, trong đó có gần 99% tài khoản của cá nhân trong nước, tăng hơn 742.000 tài khoản so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, số liệu thống kê kể từ cuối quý 1/2020 tới nay cho thấy, dư nợ cho vay ký quỹ tăng lên gần gấp 3 lần với số liệu được lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố gần 110.000 tỉ đồng. Vốn hóa 3 sàn đã gần bằng GDP 2020. Đó cũng là lý do tỉ lệ vay margin (ký quỹ) ở nhiều công ty chứng khoán cả nội lẫn ngoại có nơi vượt trần. Vì vậy, đã có nhiều công ty phải tăng huy động vốn, tăng vốn điều lệ.
Chỉ tính ngày 31/5/2021, chỉ số VN-Index đã tiếp tục thiết lập đỉnh mới ở mức 1328,05 điểm vào với giá trị giao dịch trong ngày đạt 25.015 tỷ đồng, tăng 7,15% so với tháng 4/2021 và tăng 20,31% so với cuối năm 2020; VNAllshare đạt 1365,87 điểm, tăng 9,86% so với tháng 4/2021 và tăng 32,30% so với cuối năm 2020; VN30 đạt 1474,78 điểm, tăng 12,38% so với cuối tháng 04/2021 và tăng 37,73% so với cuối năm 2020.
Các chỉ số ngành ghi nhận sự tăng trưởng cao trong tháng này bao gồm: ngành tài chính (VNFIN) tăng 24,51%, ngành công nghệ thông tin (VNIT) tăng 20,10%, ngành nguyên vật liệu (VNMAT) tăng 19,46%. Đối với doanh nghiệp có vốn hóa lớn hơn 1 tỷ USD, HoSE ghi nhận có 27 doanh nghiệp, trong đó có 4 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD, bao gồm: Tập đoàn Vingroup (VIC), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB), Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) và Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG).
Ngoài ra, thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 5 đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay với giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 21.937 tỷ đồng và 701,96 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị và khối lượng giao dịch cổ phiếu trong tháng lần lượt đạt trên 438.748 tỷ đồng và 14,03 tỷ cổ phiếu, tương ứng tăng 53,26% về tổng giá trị và tăng 3,19% về tổng khối lượng so với cuối năm 2020.
Quy mô thị trường trên HoSE tính đến hết ngày 31/5/2021 có 508 mã chứng khoán giao dịch; trong đó gồm 386 mã cổ phiếu, 2 mã chứng chỉ quỹ đóng, 7 mã chứng chỉ quỹ ETF, 82 mã chứng quyền có bảo đảm và 31 mã trái phiếu niêm yết. Tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết đạt hơn 102,6 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 4,97 triệu tỷ đồng, tăng 7,7% so với tháng trước, đạt khoảng 79,09% GDP năm 2020 (GDP theo giá hiện hành).