Vào lúc 14 giờ 5 phút (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay hầu như không đổi ở mức 1.284 USD/ounce. Kim loại quý này đang hướng đến mức tăng 0,4% tính chung trong cả tuần này. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng không biến động mạnh và vững ở mức 1.285 USD/ounce.
Từ 00h01' theo giờ Mỹ ngày 10/5 (11h01' theo giờ Việt Nam), Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) bắt đầu thu thuế 25% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Ngay sau khi có thông tin trên, Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ "vô cùng lấy làm tiếc" với động thái của Washington, đồng thời cho biết Bắc Kinh "sẽ có các biện pháp đáp trả cần thiết".
Việc Mỹ tiếp tục áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc đã đẩy căng thẳng giữa hai nước lên cao hơn, trong bối cảnh các nhà đàm phán hàng đầu của hai bên đã khép lại ngày đàm phán đầu tiên nhằm cứu vớt thỏa thuận có nguy cơ đổ vỡ.
Ông John Sharma, nhà kinh tế tại Ngân hàng National Australian Bank cho biết vẫn còn nhiều bất ổn xung quanh thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc. Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng phần nào bị hạn chế mặc dù các thị trường vẫn có nỗi sợ hãi rủi ro lớn, trong khi các kênh đầu tư “trú ấn an toàn” khác như đồng yen Nhật Bản và đồng Franc Thụy Sỹ đều tăng giá. Theo chuyên gia Sharma, sở dĩ giá vàng không tăng mạnh là do các nhà đầu tư đã xác định trước những ảnh hưởng từ đàm phán thương mại lên kim loại quý này.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho biết giá vàng cũng phải đối mặt với mức kháng cự 1.290 USD/ounce. Trong một báo cáo gửi khách hàng, công ty dịch vụ đầu tư MKS PAMP Group cho hay giá vàng vẫn được hỗ trợ quanh mức 1.280 USD/ounce, trong khi ngưỡng 1.290-1.295 USD/ounce đang tỏ ra khó bị “công phá”. Nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters cũng cho biết giá vàng giao ngay đang nhắm mục tiêu trong phạm vi 1.267 - 1.274 USD/ounce.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc tiến 0,2% lên 14,78 USD/ounce, còn giá bạch kim tăng 1,6% lên 858 USD/ounce.