Cụ thể, trên thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.210,68 USD/ounce vào lúc 14 giờ 12 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi đã có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 13/9 là 1.211,02 USD/ounce hồi đầu phiên.
Tính đến hiện tại, giá vàng đã tăng 1,3% và đang hướng đến tuần tăng giá đầu tiên trong bốn tuần qua.
Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn phiên này cũng tiến thêm 0,3% lên 1.215 USD/ounce.
Theo chuyên gia Barnabas Gan của Ngân hàng OCBC, giá vàng đi lên là do những tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã phần nào “hạ nhiệt”. Chuyên gia này cho biết hiện thị trường cần rất thận trọng với giá vàng do bất cứ sự leo thang nào trong căng thẳng thương mại Trung-Mỹ cũng có thể khiến giá kim loại quý này đi xuống.
Chuyên gia Barnabas Gan cũng nói rằng những động thái thuế quan của Mỹ sẽ giúp cải thiện cán cân thương mại của nước này, qua đó tạo đà đi lên cho đồng USD đồng thời gây sức ép xuống giá cho vàng.
Các mức thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc áp lên hàng hóa của nhau hồi đầu tuần này đều thấp hơn so với dự báo trước đó, khiến các thị trường nhen nhóm hy vọng rằng những khúc mắc giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có thể “hạ nhiệt”.
Chỉ số đồng USD phiên này ở quanh mức thấp của 10 tuần so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác. Điều này là do các nhà đầu tư đang chuyển hướng từ đồng bạc xanh sang các đồng tiền khác, như đồng nội tệ của các thị trường mới nổi, trong bối cảnh những nỗi lo về căng thẳng thương mại đã suy giảm.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc phiên này tăng 0,6% lên 14,35 USD/ounce sau khi đã có lúc tăng lên mức cao nhất của hai tuần là 14,41 USD/ounce hồi đầu phiên. Giá bạch kim phiên này cũng tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 9/8 là 837,8 USD/ounce.
Cũng trong phiên giao dịch chiều ngày 21/9, thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục tăng điểm tiếp nối đà tăng cao kỷ lục của thị trường Phố Wall của Mỹ trước đó, trong bối cảnh các nhà đầu tư cho rằng tác động xấu của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thấp hơn so với lo ngại ban đầu.
Trong phiên chiều nay, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 1,15%. Chỉ số MSCI đã phục hồi tăng 4,6% từ mức thấp nhất 14 tháng qua trong ngày 12/9.
Còn tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chứng khoán tăng cao nhờ đồng yen tiếp tục giảm giá so với đồng USD và việc các nhà đầu tư "phớt lờ" những lo ngại của cuộc chiến tranh thương mại. Theo đó, chỉ số Nikkei 225 tăng 195 điểm (hay 0,82%), lên 23.869,93 điểm.
Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) tiếp tục tăng 475,91 điểm (hay 1,73%) lên 27.953,38 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hải tăng 68,24 điểm (hay 2,5%) lên mức 2.797,48 điểm, mức cao nhất tuần kể từ tháng 3/2016.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Seoul (Hàn Quốc) ghi điểm phiên cuối tuần, với chỉ số KOSPI tăng 15,72 điểm (hay 0,68%) lên 2.339,17 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 27/6.
Phiên này, chỉ số S&P/ASX 200 tại Sydney cũng tăng điểm sau khi đi xuống trong phiên trước đó, với mức tăng 25,1 điểm (hay 0,41%) và khép phiên ở mức 6.194,60 điểm, trong bối cảnh đà tăng của các mã cổ phiếu thuộc ngành khai khoáng lên giá.
Mặc dù Mỹ và Trung Quốc thông báo các đợt áp thuế “ăn miếng trả miếng” đầu tuần này, song các thị trường cho rằng những hành động đáp trả không tác động mạnh như trước đây.
Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế tăng trưởng để bảo đảm nền kinh tế nước này duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ có thể ngày càng leo thang.
Còn trên thị trường tiền tệ châu Á, đồng USD tăng giá so với đồng yen Nhật Bản. Cụ thể, đồng USD giao dịch ở mức 112,76 yen/USD, từ mức 112,50 yen/USD trong phiên trước đó tại thị trường New York (Mỹ).