TTCK ngày 24/5: VN-Index giảm hơn 19 điểm, thanh khoản tăng vọt hơn 40 ngàn tỷ đồng

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần ngày 24/5, VN-Index giảm 19,10 điểm (1,49%), về mức 1.261,93 điểm; HNX-Index giảm 5,19 điểm (2,1%), về mức 241,72 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về bên bán với 565 mã giảm và 232 mã tăng. Sắc đỏ chiếm phần lớn trong rổ VN30-Index với 25 mã giảm, 4 mã tăng và 1 mã tham chiếu.

Chú thích ảnh
Sắc đỏ lan rộng toàn thị trường trong phiên giao dịch ngày 24/5. Ảnh chụp màn hình

Đáng chú ý, trong phiên chiều này 24/5, mặc dù tổng khối lượng giao dịch đạt khoảng 1.656 triệu cổ phiếu nhưng thanh khoản thị trường bất ngờ tăng vọt với hơn 40,7 ngàn tỷ đồng.

Về mức độ ảnh hưởng, FPT, VCB, CTG và VPB là những mã có tác động tiêu cực nhất khi lấy đi hơn 4,6 điểm của chỉ số. Ở chiều ngược lại, GVR, ACB, HVN và PLX là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index với hơn 2,1 điểm tăng.

Tuy nhiên, xét về lĩnh vực thì ngành công nghệ và thông tin có mức giảm mạnh nhất thị trường với 4,13%. Theo sau là ngành chứng khoán và ngành khai khoáng với mức giảm lần lượt là 3,87% và 3,19%. Ở chiều ngược lại, ngành tài chính khác là ngành có sự phục hồi mạnh nhất với 1,05%, chủ yếu đến từ các mã OGC (+4,18%) và TVC (+6,25%).

Về giao dịch của khối ngoại, khối này quay lại bán ròng hơn 1.605 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung tại các mã FPT (346,72 tỷ), MWG (148,14 tỷ), MBB (105,9 tỷ) và VHM (100,57 tỷ).

Trước đó trong phiên sáng, thị trường cũng đã có sự giằng co và giảm điểm. Khối lượng giao dịch của VN-Index ghi nhận trong phiên sáng đạt gần 541 triệu đơn vị, với giá trị hơn 14 ngàn tỷ đồng. HNX-Index ghi nhận khối lượng giao dịch đạt hơn 58 triệu đơn vị, với giá trị giao dịch đạt hơn 1 ngàn tỷ đồng.

Hầu hết các nhóm ngành đều chìm trong sắc đỏ, kể cả ngành ngân hàng cũng bị ảnh hưởng mặc dù đã khởi sắc vào đầu phiên. Có những nhóm ngành vốn hóa lớn như bán lẻ, bất động sản, chứng khoán và vật liệu xây dựng còn giảm tiêu cực hơn. Riêng nhóm bán buôn và sản xuất nhựa - hóa chất mặc dù giữ mức tăng trưởng tốt từ đầu phiên nhưng giữ tỷ trọng ở mức khá thấp.

Chú thích ảnh
Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng mạnh nhất đến thị trường. Ảnh chụp màn hình

Nhận định về phiên giảm cuối tuần, các công ty chứng khoán cho biết, chủ yếu do áp lực chốt lời, hiện VN-Index đang thử thách lại vùng kháng cự 1.282-1.287 điểm nên đây là giai đoạn không phù hợp để mua mới hay rủi ro T+ khá cao.

Theo CTCK Asean, trong những nhịp điều chỉnh giảm, dù chỉ số chỉ dao động ở mức -0,2%, nhưng nhiều cổ phiếu chịu áp lực bán giảm mạnh hơn mốc 2% cho thấy áp lực chốt lời tương đối lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, VN-Index đã có 6 phiên tích lũy tại vùng đỉnh, nếu thị trường thu hẹp thanh khoản trong các phiên tới, nhà đầu tư có thể tiến hành mở mua trở lại.

CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, trong tuần tới thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng nhưng nhịp điều chỉnh có thể xuất hiện khi chỉ số VN-Index quay lại mức 1.285 điểm hoặc cao hơn là gần mức 1.300 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn và nếu đà tăng trong phiên kế tiếp với biên độ lớn thì khả năng thị trường sẽ còn nhịp tăng ngắn hạn, nhưng thanh khoản đang chưa ủng hộ cho kịch bản này đang diễn ra.

CTCK Agribank khuyến nghị nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng các vị thế trading khi chỉ số có nhịp lùi về vùng hỗ trợ quanh 1.250 (+-5 điểm), ưu tiên cổ phiếu thuộc nhóm VN30 và các cổ phiếu đầu ngành khác đã tạo nền trên cả 2 mốc MA20 và MA50.

Nhìn chung, thị trường chứng khoán diễn biến tương đối tích cực với nhiều đợt tăng điểm trong biên độ hẹp. Những rủi ro từ bên ngoài sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán trong những tháng còn lại của năm 2024.

Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng Giám đốc công ty quản lý quỹ UOB Asset Management Việt Nam nhận định, những rủi ro từ bên ngoài có thể là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chậm thực hiện giảm lãi suất hơn dự kiến, USD tiếp tục mạnh lên, các xung đột địa chính trị trên thế giới leo thang…

Tuy nhiên, theo bà Nhật Lệ, triển vọng của TTCK sẽ tiếp tục khả quan nhờ các yếu tố hỗ trợ từ kinh tế vĩ mô như kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cải thiện, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu và tiêu dùng; môi trường lãi suất thấp tiếp tục được duy trì, dù lãi suất chính sách có thể tăng nhẹ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; nguồn vốn FDI tiếp tục tăng trưởng tốt, đặc biệt là với tiềm năng từ ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam; chính sách đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; và quyết tâm của Chính phủ và cơ quan quản lý trong việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Dù TTCK tăng nhưng theo bà Nhật Lệ, nhà đầu tư cần lựa chọn, cân nhắc kỹ, phân tích rộng, với sức khỏe của nền kinh tế như hiện tại cùng với chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, ngành nghề nào đang được hưởng lợi, công ty nào dẫn đầu trong nhóm. Các ngành có triển vọng như phầm mềm, viễn thông, công ty xuất khẩu, tài chính ngân hàng…

Còn theo ông Abel Lim, chuyên gia tư vấn chiến lược và quản lý tài sản của Tập đoàn UOB, chiến lược đầu tư quan trọng nhất là nắm giữ và có tầm nhìn đầu tư dài hạn. Một điều quan trọng khác là hãy xem xét các khoản đầu tư có chất lượng, vì các công ty chất lượng với mô hình kinh doanh tốt sẽ tạo ra lợi nhuận đầu tư ổn định với độ biến động thấp hơn.

Để xây dựng danh mục đầu tư linh hoạt có thể vượt qua biến động của thị trường và mang lại lợi nhuận ổn định theo thời gian, ông Abel Lim khuyến nghị hãy kết hợp giữa những tài sản có độ an toàn cao hơn và tài sản có tiềm năng tăng giá vốn; đa dạng hóa giữa các khu vực và lĩnh vực khác nhau cũng sẽ giúp giảm bớt sự biến động trong danh mục đầu tư.

Hải Yên/Báo Tin tức
Lực đẩy từ Nvidia không thể vực dậy chứng khoán Mỹ
Lực đẩy từ Nvidia không thể vực dậy chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 23/5, dù dự báo doanh thu mạnh mẽ của Nvidia đã thúc đẩy giá cổ phiếu của công ty sản xuất chip này tăng vọt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN