Vùng đệm vực dậy niềm tin cho thị trường chứng khoán

Theo tin từ Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), qua tổng hợp ý kiến và góc nhìn của nhiều doanh nghiệp đại chúng, năm 2024 vẫn là “vùng giao tranh” giữa các nhịp điều chỉnh và phục hồi của thị trường chứng khoán. Có tới 88,9% số doanh nghiệp đánh giá diễn biến tăng, giảm đan xen là trạng thái chủ đạo xuyên suốt năm.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại Chứng khoán Bảo Việt, số 8 Lê Thái Tổ, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Dù có nền tảng hỗ trợ từ nhiều yếu tố như mặt bằng lãi suất thấp đang thúc đẩy nhiều người gia nhập thị trường và tạo nên lực cầu tích cực giúp thị trường chứng khoán không giảm quá sâu; kinh tế vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp được kỳ vọng qua đáy và bước vào chu kỳ tăng trưởng tích cực;  tâm lý tích cực đối với tín hiệu lạc quan về khả năng nâng hạng trên FTSE (tổ chức chuyên về các dịch vụ chỉ số tài chính)... thì diễn biến của thị trường chứng khoán năm 2024 vẫn phụ thuộc vào nhiều biến số cần theo dõi như chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), thanh khoản hệ thống và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, diễn biến dòng vốn đầu tư của khối ngoại và biến động tỷ giá và giá vàng khi giá của kim loại quý này liên tục lập đỉnh phân tán sự quan tâm đến các kênh đầu tư khác.

Để phác thảo bức tranh thị trường và xây dựng những định hướng rõ ràng nhằm vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội, xây dựng thành công lâu dài và bền vững, Tổng giám đốc Vietnam Report Vũ Đăng Vinh cho rằng, một số yếu tố có thể tạo ra những ảnh hưởng lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay; cũng như chiều hướng tác động của chúng. Theo đó, việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai các giải pháp thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán gồm cải thiện hệ thống pháp lý, nâng cao tính minh bạch và chuyên nghiệp hóa thị trường, giúp thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài và nâng cao vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam đang là trọng tâm chú ý khi đã vươn lên ở vị trí số 1 trong số các yếu tố ảnh hưởng, với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn là 77,8%, đồng thời cũng là yếu tố được kỳ vọng có tác động tích cực nhất đối với thị trường chứng khoán theo bình chọn của 66,7% số doanh nghiệp

Đánh giá về lợi nhuận doanh nghiệp, ông Vinh cho rằng, năm 2024, lợi nhuận sau thuế của toàn thị trường đã tiếp tục phục hồi trong quý I/2024 với mức tăng 6,5% so với cùng kỳ và tăng 4,1% so với quý trước. Đây cũng là quý thứ hai liên tiếp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương, kéo mặt bằng lợi nhuận lên mức cao nhất trong 7 quý (chỉ thấp hơn hai quý đầu năm 2022). Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có sự cải thiện ở hầu hết các nhóm ngành trong quý đầu năm. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi chung đang chậm lại so với quý IV/2023 với sự mờ dần của hiệu ứng mức nền thấp - hay nói cách khác, nền so sánh cùng kỳ cao dần lên.

Cụ thể, tổng lợi nhuận sau thuế của 787 doanh nghiệp niêm yết trong quý đầu năm nay ghi nhận mức tăng trưởng 14,8% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức tăng trưởng 48,6% trong quý IV/2023. Về cơ bản, lợi nhuận doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán khi ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu, tâm lý nhà đầu tư, định giá cổ phiếu, chính sách cổ tức, quyết định đầu tư của doanh nghiệp và có thể tạo ra các tác động lan tỏa đến ngành công nghiệp và thị trường rộng lớn hơn. Do đó, để có nền tảng vững chắc cho xu hướng tăng bền vững của thị trường chứng khoán, tăng trưởng lợi nhuận phục hồi bền vững trên diện rộng trong các quý tiếp theo là điều cần thiết.
 
Diễn biến thanh khoản của thị trường trái phiếu có mối liên hệ chặt chẽ với thị trường chứng khoán và ảnh hưởng đến chi phí vay vốn, dòng vốn đầu tư, tâm lý nhà đầu tư, đánh giá rủi ro; cũng như khả năng thanh khoản của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Sự biến động của thị trường trái phiếu có thể tạo ra những tác động lan tỏa đến thị trường chứng khoán, ảnh hưởng đến giá cả và hoạt động giao dịch. Đầu năm 2024, kể từ khi các quy định nới lỏng điều kiện phát hành và tiêu chuẩn nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, hoạt động phát hành trái phiếu diễn ra có phần ảm đạm hơn so với 2 quý cuối năm 2023.

Trong khi đó, sau hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu diễn ra trong năm ngoái, thời gian đáo hạn điều chỉnh phần lớn kéo dài thêm đã đẩy lùi áp lực trả nợ sang năm 2024, 2025 và 2026. Đặc biệt, thời điểm năm 2024 sẽ là thời điểm quan trọng đối với thị trường trái phiếu khi áp lực đáo hạn rất lớn vào tháng 12. Mặt khác, thời gian phân phối của từng đợt phát hành, quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bắt đầu được thực hiện trở lại kể từ năm 2024 cũng là vấn đề quan trọng cần lưu ý.

Diễn biến dòng vốn đầu tư của khối ngoại cũng luôn là yếu tố có tác động mạnh mẽ đến thị trường chứng khoán thông qua nhiều khía cạnh. Mặc dù tỷ trọng giao dịch của khối ngoại hiện nay đã giảm nhiều so với các năm trước, nhưng động thái từ khối ngoại vẫn ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư. Xu hướng của dòng vốn ngoại hiện đang bị ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị vẫn còn kéo dài và khó dự báo, rủi ro lệch pha chính sách tiền tệ giữa các nước phát triển và đang phát triển sẽ ảnh hưởng và việc nền kinh tế Việt Nam cũng vừa trải qua một giai đoạn khó khăn, Do đó, nhà đầu tư nước ngoài chờ đợi thêm những tín hiệu phục hồi chắc chắn hơn trước khi thực hiện phân bổ vốn.

Có thể thấy rằng, với những thay đổi, cải cách đang từng bước được thực hiện, thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong năm nay cùng với sự phục hồi và ổn định hơn của một số nhóm ngành, song vẫn sẽ chứng kiến sự giao tranh, đan xen giữa các nhịp điều chỉnh và phục hồi do ảnh hưởng của các biến số vĩ mô được đề cập bên trên. Nếu như đối với nền kinh tế nói chung, năm 2024 được kỳ vọng là “vùng đệm” để từng bước khôi phục niềm tin, các doanh nghiệp dần chinh phục các thách thức, những động lực dẫn dắt sự phục hồi rõ ràng hơn thì đối với thị trường chứng khoán, 2024 cũng là bước đệm quan trọng trên hành trình nâng hạng thị trường, hướng tới một thị trường ngày càng minh bạch, hấp dẫn, phát triển lành mạnh, công bằng và kiến thiết một chu kỳ tăng điểm ấn tượng trong tương lai.

Mới đây, Vietnam Report cũng vừa công bố danh sách Top 10 của Bảng xếp hạng VIX50 nằm trong Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2024. Theo đó, bao gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần Vinhomes, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Công ty cổ phần Gemadept.

Ngọc Quỳnh (TTXVN)
Chiều 23/5 giá vàng giảm phiên thứ ba liên tiếp
Chiều 23/5 giá vàng giảm phiên thứ ba liên tiếp

Trong phiên 23/5, một số chỉ số chứng khoán châu Á giảm điểm, trong khi giá vàng và dầu mỏ tiếp tục đà đi xuống trong những phiên gần đây, khi không loại trừ khả năng Mỹ sẽ tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN