Nhiều dự báo cho thấy, thị trường chứng khoán sẽ duy trì đà tăng điểm này trong tháng 9, nhờ xung lực từ tháng 8 và kỳ vọng về dòng tiền ngoại mới.
Kỳ vọng hút dòng vốn ngoại từ các quỹ ETF
Mặc dù, trên các sàn giao dịch, khối ngoại duy trì đà bán ròng liên tiếp những tháng qua, song dòng vốn ngoại vẫn chảy vào thị trường Việt Nam thông qua “đường vòng” từ các Quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Đây được xem là yếu tố tích cực sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Theo báo cáo cập nhật dòng vốn đầu tư toàn cầu mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, dòng vốn ETF vẫn duy trì xu hướng tích cực sang tháng thứ 4 liên tiếp. Mặc dù giảm so với tháng trước, song tổng giá trị dòng vốn vào các ETF vẫn đạt 558 tỷ đồng trong tháng 8.
Trong đó, dẫn dắt chính là hai quỹ của VFM là VNDiamond ETF (tăng 195 tỷ đồng), VFM VN30 ETF (tăng 175 tỷ đồng) và quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (tăng 165 tỷ đồng). Riêng hai quỹ ETF mới niêm yết là SSIAM VN30 ETF và Vinacapital VN100 ETF, quy mô vẫn còn nhỏ và chưa có nhiều đóng góp về dòng vốn.
Tính từ đầu năm đến cuối tháng 8/2020, các quỹ ETF đã bổ sung nguồn vốn trị giá gần 1.400 tỷ đồng cho thị trường.
Mới đây, Quỹ CTBC Investments (Đài Loan) đã ra mắt quỹ đầu tư cổ phiếu Việt Nam CTBC Vietnam Equity Fund với tổng nguồn vốn huy động trong đợt đầu là 160 triệu USD (4.000 tỷ VND); trong đó, một phần danh mục quỹ sẽ được phân bổ vào VFM VNDiamond ETF. Những điều này cho thấy, có thể kỳ vọng dòng vốn ETF sẽ duy trì tích cực trong thời gian tới.
Báo cáo chiến lược đầu tư tháng 9/2020 của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì bán ròng nhiều tháng qua, thông tin về việc các quỹ đầu tư chuyên nghiệp quốc tế huy động được một lượng tiền lớn phân bổ cho thị trường Việt Nam sẽ là một cú hích lớn.
Cụ thể, trước khi quỹ CTBC Investments huy động được quy mô 160 triệu USD để đầu tư vào thị trường Việt Nam, Dragon Capital cũng đã huy động được một lượng tiền khá lớn cho quỹ VFMVSF của Vietfund Management. Kể từ cuối tháng 6 đến nay, ước tính VFMVSF đã nhận được khoảng 1.500 tỷ đồng từ khối ngoại. Chỉ riêng trong tháng 8, quỹ này đã giải ngân tương đương khoảng hơn 1.100 tỷ đồng. Danh mục đầu tư của quỹ này đa phần là các cổ phiếu vốn hoá lớn và có thanh khoản cao.
Theo các chuyên gia, triển vọng hồi phục kinh tế đóng vai trò quyết định đối với diễn biến dòng vốn vào các nước nói chung và Việt Nam nói riêng. Việc sớm kiểm soát dịch bệnh và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công một cách hiệu quả vẫn là 2 yếu tố chính giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hút được dòng vốn từ các quỹ đầu tư ngoại trong thời gian tới.
Dự báo kịch bản tăng trong tháng 9
Với diễn biến tích cực khi chỉ số VN-Index đang tiến gần đến ngưỡng 900, nhiều công ty chứng khoán nhận định, tháng 9 có thể trở thành tháng sôi động nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam trong quãng thời gian còn lại của năm 2020.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, mặc dù nhiều phiên đảo chiều trong ngày cho thấy bên mua có vẻ đuối sức, nhưng bên bán cũng không bán bằng mọi giá. Các chỉ báo cho thấy, vẫn còn quá sớm để dự báo sự đảo chiều của đà tăng hiện tại trong những tuần tới.
Nhìn vào diễn biến VN-Index, việc bứt phá trên ngưỡng 900 điểm sẽ đẩy chỉ số lên vùng kháng cự 950 điểm, trong khi nếu đảo chiều sẽ kéo chỉ số trở lại hỗ trợ 850 điểm. Với giả thiết lãi suất vẫn thấp và nền kinh tế phục hồi rõ rệt, các chuyên gia của KIS kỳ vọng sẽ có kịch bản tăng giá trong tháng 9; trong đó, cổ phiếu hết room có thể là nhóm cổ phiếu tăng giá tốt nhất do dòng vốn ngoại mạnh đồng loạt đổ vào một số ETF nội.
Về quan điểm phân tích kỹ thuật, các chuyên gia của SSI cho rằng, tiếp nối đà tích cực trong tháng 8, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng điểm tốt vào các phiên đầu tháng 9 và hiện chỉ số VN-Index đã vượt qua vùng đỉnh tháng 6 nằm gần 900 điểm.
Vùng 900 điểm được đánh giá là vùng kháng cự mạnh do áp lực bán cao và thường trực khi khối lượng giao dịch cũng đã tạo đỉnh lịch sử với hơn 2,7 tỷ cổ phiếu được giao dịch trong tuần giữa tháng 6 tại vùng đỉnh này. Điều này cũng hàm ý vùng 900 điểm là vùng cản tâm lý rất lớn nên khi VN-Index vượt qua một cách thuyết phục sẽ tạo sức bật lớn cho thị trường sau đó.
Ngoài ra, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn khi chỉ số VN30 cho tín hiệu mạnh lên từ tuần cuối tháng 8 đến nay, trong khi nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ bắt đầu suy yếu.
“Bên cạnh rủi ro điều chỉnh khi gặp vùng cản quan trọng thì khả năng nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn sẽ thể hiện vai trò dẫn dắt và tạo động lực cho thị trường tiến đến các vùng điểm số cao hơn trong tháng 9. Dự kiến, thị trường sẽ có các nhịp biến động mạnh trong tháng với biên độ dao động của VN-Index từ 880-940 điểm”, báo cáo chiến lược thị trường tháng 9/2020 của SSI nêu rõ.
Khi xem xét hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) của nhóm VN30, VN70 (nhóm vốn hóa trung bình) và VNSML (nhóm vốn hóa nhỏ), VDSC cho biết chỉ có P/E của VN30 còn thấp hơn so với quá khứ. Trong khi đó, mặc dù nhóm VN70 và VNSML trông có vẻ rẻ hơn VN30 nhưng không còn hấp dẫn hơn khi xem xét P/E lịch sử của các nhóm này. Do vậy, chiến lược đầu tư theo sát dòng tiền của các quỹ chuyên nghiệp vẫn là chiến lược phù hợp trong năm 2020.
Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên bám sát các câu chuyện thị trường đang ưa chuộng và tận dụng các vùng giá thấp để tích lũy các cổ phiếu; trong đó, lưu ý nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công, Hiệp định EVFTA; hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp dự báo có kết quả kinh doanh quý 3/2020 khả quan, doanh nghiệp xuất hiện tín hiệu phục hồi khi dịch bệnh dần kiểm soát…