Với khí hậu nhiệt đới gió mùa nên Việt Nam có rất nhiều loại nông sản nhiệt đới. Cùng với các sản phẩm cây công nghiệp như: cà phê, điều, hồ tiêu… đã có được một thị phần nhất định trên bản đồ nông sản quốc tế, những năm gần đây, trái cây Việt Nam cũng đang từng bước chinh phục và khẳng định chỗ đứng của mình tại các thị trường lớn với đòi hỏi khắt khe về chất lượng như EU, Mỹ, Nhật Bản, Australia…
Thanh long là mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1 tỷ USD/năm, chiếm tỷ trọng khoảng 50% xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam. Đây là sản phẩm đã tiến vào được nhiều thị trường nhất, đặc biệt còn là sản phẩm đã được trên 10 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý; trong đó, có các thị trường lớn và khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp và Hàn Quốc.
Thanh long được trồng chính tại Bình Thuận, Long An… Đặc biệt, Bình Thuận có trên 27.000 ha thanh long. Nơi đây được coi là vựa thanh long lớn nhất cả nước, chiếm hơn 80% tổng sản lượng thanh long cả nước. Bình Thuận cũng có trên 9.500 ha thanh long được chứng nhận VietGAP, trên 260 ha đạt chứng nhận GlobalGAP.
Sau xoài, vải, năm 2017, thanh long Việt Nam đã vào được thị trường Australia. Việc trái thanh long xuất khẩu vào Australia đã chứng tỏ thêm năng lực, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đã đạt tầm chất lượng quốc tế.
Cùng với thanh long, xoài cũng là loại trái cây mang ngoại tệ lớn về cho đất nước. Đây cũng là loại trái cây mà nhiều nước có thể sản xuất được nhưng với hương vị, chất lượng đặc trưng của các vùng đất, nhiều vùng xoài Việt Nam đã có sự chinh phục theo cách riêng của mình. Chẳng hạn như tại thủ phủ xoài của miền Bắc là Sơn La. Không đi vào phân khúc xoài chín, Sơn La đã chọn xoài xanh mà ít nước có để gia nhập vào thị trường trái cây thế giới.
Theo ông Đàm Quang Thắng, Giám đốc Công ty Agricare Việt Nam - doanh nghiệp đầu tiên đưa xoài xanh Sơn La sang Australia, nhận thấy Australia cũng chưa phát triển nhiều loại sản phẩm xoài xanh nên công ty quyết định đầu tư, phát triển loại sản phẩm này để cung cấp cho các nhà hàng, đầu bếp chế biến với các món ăn. Đây là loại xoài tượng và đã được thị trường tiếp nhận, đánh giá tốt.
Mới đây, đầu tháng 5/2018, lô xoài ba màu đầu tiên của An Giang đã được xuất khẩu sang thị trường khó tính Australia sau một thời gian dài đàm phán. Hiện nay, cơ quan chức năng đang nỗ lực xúc tiến để quả xoài Việt Nam có thể sớm sang Mỹ.
Chưa mở được nhiều thị trường như thanh long, xoài, nhưng nhãn, vải, vú sữa đã nhận được cái “gật đầu” của thị trường Mỹ. Tới đây được xem như cánh cửa bước vào thị trường khó tính đã mở ra với trái cây tươi của Việt Nam. Vào được đây, trái cây Việt Nam sẽ dễ dàng hơn khi tiến bước sang các thị trường khác.
Điển hình như mới đây, cơ quan quản lý của Australia đã vào Việt Nam để kiểm tra, đánh giá và có thể sẽ cấp phép xuất khẩu nhãn sang nước này từ đầu năm 2019. Như vậy, tiếp theo trái vải, xoài và thanh long được xuất khẩu vào Australia, quả nhãn sẽ có nhiều cơ hội để vào thị trường tiềm năng này.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, việc mở cửa thị trường rất quan trọng, đặc biệt là Australia, Mỹ, Nhật Bản… Khi mở cửa được thị trường cho quả vải, nhãn sang Mỹ, lập tức có tác động rất tốt đến thị trường trong nước. Bởi điều này tránh được sự ép giá khi lệ thuộc lớn vào một thị trường tiêu thụ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ sẽ chọn khoảng 10 loại quả Việt Nam có tiềm năng và thế mạnh, cơ quan chức năng nhà nước phải mở đường cho doanh nghiệp.
Ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đánh giá, các nước phát triển có sức tiêu dùng rất lớn, giá bán cao nhưng theo đó là đòi hỏi cao về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Điều quan trọng và thiết yếu nhất là cần xây dựng sản xuất theo chuỗi sản phẩm khép kín, không chỉ giới hạn trong cơ sở chế biến mà cả từ canh tác, thu hoạch...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, rau củ quả là ngành hàng lợi thế của Việt Nam. Đây là ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt trên 3,5 tỷ USD nhưng tổng giá trị thương mại toàn cầu ngành hàng này gần 300 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng thị trường 2-3%/năm. Đây là tiềm năng rất lớn để tập trung vào.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, doanh nghiệp cần phối hợp cùng địa phương để định hình vùng sản xuất và ngay từ khâu đầu tiên là giống để đảm bảo nông sản Việt Nam sạch ngay từ đầu vào. Cùng với đó, ứng dụng công nghệ cao ở các quy trình từ vùng nguyên liệu, chế biến đến thương mại. Các địa phương cần tiếp tục rà soát tái cơ cấu nông nghiệp để khai thác tối đa tài nguyên đất đai, khi hậu và thế mạnh sản phẩm của mình.