Quyết định này nhằm phù hợp với diễn biến thị trường, đảm bảo tiêu chí thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh năm 2019 và Tết Canh Tý 2020 là “thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng ít nhất từ 5 - 10%".
Theo đó, giá bán thịt lợn được điều chỉnh tăng từ 8.000 đồng - 35.000 đồng/kg tùy theo mặt hàng, áp dụng từ ngày 13/11. Cụ thể, thịt đùi là 118.000 đồng/kg, thịt vai 117.000 đồng/kg, thịt cốt lết 119.000 đồng/kg, sườn già 125.000 đồng/kg, chân giò 114.000 đồng/kg, thịt nách 117.000 đồng/kg, thịt nạc (dăm, vai, đùi) 140.000 đồng/kg, thịt ba rọi 167.000 đồng/kg...
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, hiện nay sản lượng tiêu thụ thịt lợn tại mạng lưới chợ giảm, còn tại hệ thống siêu thị tăng nhẹ. Nguyên nhân dẫn đến tình hình này là do tâm lý người tiêu dùng lo ngại dịch bệnh nên quan ngại mua ở kênh chợ truyền thống.
Riêng sản lượng tiêu thụ thịt lợn tại hệ thống điểm bán hàng bình ổn thị trường như Saigon Co.op, Satra, Vissan… tăng khoảng 30% do giá cả ổn định, đảm bảo chất lượng, có truy xuất nguồn gốc. Song song đó, sản lượng tiêu thụ những mặt hàng khác như thịt gia cầm, rau củ quả… tăng 10% - 15%, do đây là sản phẩm thay thế thịt lợn và có giá ổn định.
Theo số liệu thống kê trong 10 tháng năm 2019, doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn qua cửa khẩu hải quan TP Hồ Chí Minh đạt 10.820 tấn, kim ngạch 21,325 triệu USD (tăng về lượng gần 6.581 tấn, tăng về kim ngạch gần 12,916 triệu USD so với 10 tháng đầu năm 2018); trong đó, nhập khẩu nhiều nhất từ các nước như Brazil là 5.685 tấn với kim ngạch 11,41 triệu USD; Mỹ (1.109 tấn với kim ngạch 2,317 triệu USD); Ba Lan (1.494 tấn với kim ngạch 2,869 triệu USD); Bỉ (346 tấn với kim ngạch 972.000 USD); Hà Lan (236 tấn với kim ngạch 479.000 USD)…
Theo đại diện Sở Tài Chính TP Hồ Chí Minh, lượng thịt lợn nhập khẩu tăng chủ yếu do giá thịt lợn nhập khẩu chỉ dao động quanh mức 44.000 đồng - 48.000 đồng/kg, thấp hơn giá lợn hơi trong nước. Đồng thời, kinh tế trong nước đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, các rào cản thương mại bị gỡ bỏ, thị trường thịt lợn trong nước có sự liên thông nhất định với thị trường nước ngoài.
Để ổn định thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán, bên cạnh giải pháp căn cơ là xây dựng chuỗi cung ứng khép kín, sở, ngành TP Hồ Chí Minh đang tập trung nhiều giải pháp theo dõi sát thị trường thịt lợn và thực phẩm thay thế, gồm: thịt gia cầm, rau củ quả… Cùng với đó, doanh nghiệp bình ổn thị trường thịt gia cầm như San Hà, Ba Huân… đều đã xây dựng phương án tăng nguồn cung. Trong trường hợp cần thiết, TP Hồ Chí Minh sẽ xem xét phương án tăng cường nhập khẩu thịt lợn từ các nước.