Theo Cục trưởng Cục quản lý giá, việc quản lý, điều hành giá trong năm 2025 dự báo tiếp tục còn nhiều khó khăn trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới biến động phức tạp, xung đột quân sự tiếp tục leo thang tại một số quốc gia, khu vực; tăng trưởng kinh tế, đầu tư, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu phục hồi chậm...
Tuy nhiên, Cục Quản lý giá sẽ tập trung xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giá và hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ về giá, thẩm định giá, trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá như trình Bộ trình Chính phủ ban hành 2 nghị định thay thế liên quan đến dịch vụ thủy lợi và trong tố tụng hình sự.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức phổ biến, tuyên truyền, tập huấn pháp luật, nghiệp vụ về giá năm 2025 đối với các bộ, ngành, địa phương...
Ngoài ra, năm 2025, Cục Quản lý giá tiếp tục tập trung nâng cao tổng hợp, phân tích dự báo, điều hành giá cả thị trường. Quốc hội đã quyết định CPI năm 2025 khoảng 4,5%, do đó, Cục Quản lý giá sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả quản lý, điều hành, bình ổn giá theo cơ chế thị trường để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ, chủ động dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Ngoài ra, sẽ rà soát phương án giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thuộc thẩm quyền định giá của Bộ Tài chính theo quy định của Luật Giá; triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về giá và thẩm định giá năm 2025...
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, năm 2024, quản lý, điều hành giá đã bám sát theo đúng kịch bản điều hành, giá cả thị trường cơ bản ổn định, chỉ số CPI bình quân 11 tháng tăng 3,69% so cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 2,7%; ước cả năm CPI bình quân tăng dưới 4%, thấp hơn mục tiêu (4 - 4,5%).