Ngoài ra, kỳ vọng về gói kích thích kinh tế của Trung Quốc đã thúc đẩy triển vọng về nhu cầu năng lượng tại quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới này.
Cụ thể, sáng phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu thô Brent tăng 1,03 USD, tương đương 1,3%, lên 78,07 USD/thùng. Trong khi giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giao dịch ở mức 72,53 USD/thùng, tăng 88 xu Mỹ, tương đương 1,2%.
Nguy cơ xung đột Israel-Gaza chuyển thành xung đột khu vực rộng lớn hơn đã gia tăng vào cuối tuần qua, sau khi lực lượng Houthi đã tấn công tàu chở container của hãng vận tải Maersk của Israel, khiến hãng này phải ngừng toàn bộ các hoạt động đi qua Biển Đỏ trong vòng 48 giờ.
Ông Leon Li, nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường CMC Markets có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Giá dầu có thể bị ảnh hưởng bởi tình hình xung đột leo thang ở Biển Đỏ cuối tuần qua và mùa nhu cầu cao điểm trong dịp Tết Nguyên đán của Trung Quốc”.
Dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc hôm 31/12 cho thấy kỳ vọng của các nhà đầu tư về các biện pháp kích thích mới ở Trung Quốc đã tăng lên sau khi hoạt động sản xuất trong tháng 12 giảm tháng thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, một báo cáo của khu vực tư nhân hôm 2/1 lại cho thấy lĩnh vực này tăng trưởng vào tháng trước, mặc dù niềm tin của các chủ nhà máy vào triển vọng năm 2024 đã giảm so với tháng 11.
Viễn cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và mối lo ngại ngày càng tăng về nguồn cung gia tăng, đặc biệt từ các nhà sản xuất ngoài Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) khiến giá dầu Brent và WTI giảm hơn 10% trong năm 2023, khép lại năm ngoái ở mức giá thấp nhất kể từ năm 2020.
Một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters (Anh) hôm 29/12 cho thấy giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 82,56 USD/thùng vào năm 2024, do các nhà phân tích dự đoán tăng trưởng toàn cầu yếu sẽ hạn chế nhu cầu tiêu thụ, trong khi căng thẳng địa chính trị có thể hỗ trợ giá “vàng đen”. Trong năm 2023, giá trung bình của dầu Brent đạt 82,17 USD/thùng.