Theo sàn giao dịch tiền điện tử CoinDesk, tính đến 5 giờ 25 phút sáng 2/3 theo giờ Việt Nam, bitcoin đã tăng 13% trong 24 giờ qua lên 43.163 USD/bitcoin. Các loại tiền điện tử khác cũng tăng cao hơn khi ethereum tăng 10% lên 2.878 USD/ethereum, đồng dogecoin cũng tăng gần 6% lên khoảng 13 xu/dogecoin.
Thông thường, các loại tiền kỹ thuật số được coi là tài sản rủi ro, nhưng khi các tài sản thông thường bị hạn chế hoặc biến động lớn hơn do căng thẳng địa chính trị, một số nhà phân tích tin rằng tiền điện tử sẽ trở nên hấp dẫn hơn.
Công ty nghiên cứu tiền điện tử Arcane Research, có trụ sở tại Oslo (Na Uy), cho biết khối lượng giao dịch giữa đồng ruble và tiền điện tử đã tăng đột biến trong những ngày gần đây trên Binance, một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới. Bendik Schei, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Arcane, nhận định các nhà đầu tư đang “tháo chạy” khỏi đồng ruble khi đồng tiền này rớt giá mạnh sau các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Chuyên gia Schei cho biết thêm nhiều người đang chuyển sang tether hơn là bitcoin. Trong khi bitcoin là đồng tiền điện tử có giá trị nhất thế giới, tether được biết đến như một "stablecoin" (chỉ các đồng tiền điện tử được định giá theo một tài sản cố định như đồng USD). Chuyên gia Schei nhấn mạnh đối với các nhà đầu tư, stablecoin là tài sản tạo được yên tâm nhất tại thời điểm hiện nay. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư, đặc biệt là tại Nga, đang tìm kiếm stablecoin và đây là nỗ lực để tiết kiệm tiền chứ không phải là để đầu tư. Trong tuần qua, tether phần lớn đã giữ vững ở mức khoảng 1 USD/teher.
Trong khi đó, đồng ruble tiếp tục "lao dốc" trong phiên 1/3, khi được giao dịch ở mức 104 ruble/USD. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga chủ yếu dựa vào các ngân hàng để thực thi. Nếu một doanh nghiệp hoặc cá nhân bị trừng phạt muốn thực hiện một giao dịch bằng các loại tiền tệ truyền thống như USD hoặc euro, các ngân hàng có trách nhiệm ngăn chặn các giao dịch đó.
Tuy nhiên, các loại tiền kỹ thuật số hoạt động bên ngoài hệ thống ngân hàng toàn cầu, với các giao dịch được ghi lại trên một sổ cái công khai được gọi là công nghệ chuỗi khối (blockchain).