Cuối năm 2017, Bộ Công Thương đã chào bán thành công hơn 343 triệu cổ phiếu Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), tương đương 53,59% vốn điều lệ của Sabeco. Người mua là một tỷ phú Thái Lan. Nhà nước thu về hơn 109.972 tỉ đồng.
Điều này khiến dư luận băn khoăn lo lắng, liệu có tạo ra khoảng trống trong ngành công nghiệp tiêu dùng vốn là ngành tiềm năng ở Việt Nam hiện nay, cũng như đánh mất một thương hiệu Việt nổi tiếng. Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, lo lắng này là không cần thiết.
Dây chuyền sản xuất bia chai tại Nhà máy Bia Sài Gòn - Đồng Tháp (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Chương Đài/TTXVN |
Theo ông Đông, những cách nhìn nhận dị đoan, tự ái dân tộc là không phù hợp vì thế giới đã hội nhập. "Kim ngân luân hoàn". Nếu nhà đầu tư nước ngoài quản trị tốt hơn thì hiệu quả kinh doanh tốt hơn, đóng thuế nhiều hơn, tạo nhiều công ăn việc làm hơn.
Ông Đông đặt câu hỏi: "Họ mang nhà máy sang à, nhà máy vẫn ở đấy. Họ mang lao động của họ sang à, lao động của họ đắt hơn. Họ vẫn tạo ra công ăn việc làm. Doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất, phát triển. Đặc biệt là họ vẫn đóng thuế cho nhà nước. Bia Sài Gòn xanh đang là gu của người Việt. Họ phải bỏ bao nhiêu tiền để xây dựng thương hiệu mới? Nếu họ muốn đưa bia Chang của người Thái sang đây thì đầu tư cho quảng cáo, tiếp thị sẽ rất lớn. Bao lâu nữa mới thay được khẩu vị của người Việt. Để tạo thương hiệu là cả quá trình, không phải dễ".
Do đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Người tiêu dùng có quyền bảo vệ thương hiệu bằng chính phong cách, hành vi tiêu dùng của mình, tức là chọn dùng bia Sài Gòn. Còn nếu không thích nữa thì họ tẩy chay, giá sẽ xuống. Giá xuống thì lại có người khác mua rồi xây dựng lại thương hiệu Bia Sài Gòn. Lúc ấy thì không còn 320.000 đồng/cổ phiếu nữa mà tụt xuống bởi vì kinh doanh không hiệu quả.
Theo ông Đông, nếu thương hiệu còn đấy thì nhà đầu tư chả dại gì vứt nó đi. Vào một quán bia, khách gọi bia Sài Gòn xanh, Sài Gòn lùn, chả lẽ nói tôi không có, tôi chỉ có bia Chang? Thế thì đánh mất khách hàng. Như là một anh đã mua chiếc áo thể thao Nike thì có muốn vứt nó đi hay không. Nếu thương hiệu không xứng đáng tồn tại thì việc nó ra đi là chuyện bình thường. Những thương hiệu từng rất nổi tiếng như Kodak cũng phải ra đi vì nó không còn phù hợp nữa. Hãy để thị trường quyết định chứ đừng khiên cưỡng với những cảm nhận dị đoan.
"Quan điểm Chính phủ không đi bán bia, bán sữa của Thủ tướng đã được thấm nhuần hết rồi. Nó mở ra cơ hội thu hút dòng tiền của người dân. Người dân nên tìm hiểu các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán để chuyển kênh đầu tư gửi tiền ngân hàng sang đầu tư chứng khoán để khuyến khích doanh nghiệp phát triển, sản xuất kinh doanh, tạo tăng trưởng thực. Nền tài chính được cân đối giữa vốn Chính phủ và vốn xã hội, kênh ngân hàng và kênh chứng khoán", ông Đặng Huy Đông cho hay.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thương hiệu bia Sài Gòn hoàn toàn có thể bán cho nước ngoài. "Thương hiệu chúng ta cần giữ là gạo hay các nông sản khác, những thương hiệu phục vụ cho đời sống hơn là bia, rượu hay những hàng hóa tiêu dùng", ông Hiếu nêu quan điểm.
Khép lại năm 2017 với nhiều thương vụ thoái vốn Nhà nước đình đám, đáng chú ý nhất là thương vụ Vinamilk và Sabeco, năm 2018, thị trường sẽ tiếp tục đón nhận nhiều thương vụ thoái vốn lớn khác, tiêu biểu là Petrolimex, ACV, VEAM, Viglacera...