Để hỗ trợ sản xuất trong nước, Bộ Tài chính vừa đồng ý giảm thuế các mặt hàng nhôm chưa gia công thuộc nhóm 76.01 từ 3% xuống 0% do Việt Nam chưa sản xuất được phôi nhôm (gồm dạng thỏi – ingot và dạng thanh cây – billet).
Theo Bộ Tài chính, việc sản xuất phôi nhôm từ quặng bauxite tiềm ẩn các rủi ro về môi trường; đồng thời sử dụng rất nhiều điện năng, do đó nhà nước chưa có chính sách khuyến khích sản xuất trong nước đối với sản phẩm này trong thời gian tới.
Trước đó, Bộ Công thương đã gửi kiến nghị của "Hội những nhà sản xuất nhôm thanh định hình phục vụ xây dựng và công nghiệp Việt Nam" đến Bộ Tài chính; trong đó, kiến nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhôm nguyên liệu mã HS 76.01 từ 3% về 0%.
Lý do vì các nhà sản xuất nhôm thanh định hình của Việt Nam phải phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhôm nguyên liệu từ nước ngoài, do trong nước chưa sản xuất được. Mặt khác, nhu cầu sử dụng nhôm được dự báo sẽ tăng lên trong thời gian tới do các tính năng của nhôm phù hợp với xu thế sản xuất và tiêu dùng hiện nay.
Theo quy định của Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, thì mặt hàng nhôm chưa gia công thuộc nhóm 76.01 có thuế nhập khẩu MFN (thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường) là 3%, thuế suất theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN- Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) là 0%.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch nhập khẩu năm 2018 của nhóm 76.01 là 437,5 nghìn tấn, trị giá đạt 1 tỷ USD, trong đó áp dụng mức thuế MFN 3% khoảng 238 triệu USD; thị trường nhập khẩu chủ yếu là các nước Malaysia, Úc, Mỹ, UEA…
Tại Thông tư số 01/2018/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chưa có tên nhóm 76.01. Do vậy, để hỗ trợ sản xuất trong nước, tiếp thu ý kiến Bộ Công thương, tại dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ giảm thuế các mặt hàng nhôm chưa gia công thuộc nhóm 76.01 từ 3% xuống 0%.