Trong văn bản gửi đi, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ khẩn trương đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải bao gồm: đối tượng chịu phí, mức thu phí, cách thức tính phí, cơ chế thu, nộp phí, quản lý, sử dụng phí. Những thông tin này sẽ gửi về Bộ Tài chính để nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí theo thẩm quyền.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu các Bộ phân công đơn vị chuyên môn phối hợp trong quá trình nghiên cứu dự thảo Nghị định và trình Chính phủ ban hành nghị định thu phí.
Theo Bộ Tài chính, cơ sở để đưa ra vấn đề này là ngày 16/10/2018, văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; trong đó, có nội dung Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về phí bảo vệ môi trường với khí thải.
Tiếp đó, ngày 25/10, Ủy ban thường vụ Quốc hội có báo cáo số 340/BC-UBTVQH14 về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14; trong đó, có nội dung kiến nghị “Chính phủ xem xét ban hành Nghị định quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải được quy định tại điểm 1.2 Phần IX danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017) (theo kiến nghị của cử tri Lào Cai)”.
Theo Bộ Tài chính, trước đó, tại công văn số 6718/BTC-CST ngày 18/5/2016 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, đã đề nghị xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường với khí thải, gửi về Bộ Tài chính để nghiên cứu, trình Chính phủ ban ngành Nghị định. Tuy nhiên, đến nay, hai Bộ này vẫn chưa gửi phương án. Bộ Tài chính đề xuất, phương án thu phí bảo vệ môi trường với khí thải gửi về Bộ trước ngày 31/12.
Theo ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam đã ở mức báo động và việc đưa ra các biện pháp hạn chế các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí là cần thiết. Tuy nhiên, việc đưa ra một loại phí mới cần xem xét cặn kẽ từ các quy định của pháp luật và điều kiện kinh tế - xã hội của từng nước.
Ông Vũ Trung Kiên cũng cho rằng, phí bảo vệ môi trường sẽ bị giới hạn trong các dịch vụ bảo vệ môi trường như: thu gom, xử lý rác, xử lý ô nhiễm. Trong khi đó, Nhà nước chưa thực sự có dịch vụ xử lý khí thải trên toàn quốc, do đó, chỉ nên giới hạn phí bảo vệ môi trường với các dịch vụ đang được thực hiện tránh gây chồng chéo
Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc Bộ Tài chính lấy ý kiến các cơ quan có liên quan về nội dung này là thực hiện theo trình tự quy định của pháp luật là không sai. Tuy nhiên, đề xuất tăng thêm phí ở thời điểm này cần được cân nhắc.
Theo ông Ngô Trí Long, hiện nay, có rất nhiều loại phí đối với môi trường; trong đó, xăng dầu đang chịu các loại thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải cân nhắc kỹ việc cùng lúc vừa áp thuế bảo vệ môi trường vừa áp phí khí thải mỗi phương tiện giao thông.