Cơ sở khai thác dầu của Công ty dầu khí quốc gia Aramco của Saudi Arabia. Ảnh: globalenergyprize.org/TTXVN
Theo đó, vào lúc 8 giờ 35 phút ngày 28/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao kỳ hạn nhích 22 xu (tương đương 0,32%) lên 68,66 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 22 xu (0,34%) lên mức 65,38 USD/thùng.
Trước đó, giá dầu chốt phiên 25/7 ở mức thấp nhất trong ba tuần do những lo ngại về thương mại toàn cầu và kỳ vọng nguồn cung dầu sẽ tăng lên.
Theo nhà phân tích Tony Sycamore của công ty nghiên cứu thị trường IG markets, thỏa thuận thương mại Mỹ - EU và khả năng Mỹ - Trung Quốc gia hạn tạm dừng áp thuế đang là những yếu tố hỗ trợ cho thị trường tài chính toàn cầu và giá dầu.
Ngày 27/7, Mỹ và EU đã đạt được một thỏa thuận khung - sẽ áp mức thuế nhập khẩu 15% đối với hầu hết hàng hóa của EU (chỉ bằng một nửa mức thuế bị đe dọa trước đó). Thỏa thuận này đã giúp ngăn chặn một cuộc chiến thương mại quy mô lớn hơn giữa hai nền kinh tế vốn chiếm gần 1/3 thương mại toàn cầu.
Ngoài ra, các nhà đàm phán cấp cao của Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau tại Stockholm vào ngày 28/7 (giờ địa phương) nhằm mục tiêu gia hạn thỏa thuận “đình chiến thương mại”, giúp ngăn chặn việc áp dụng các mức thuế cao hơn đáng kể trước hạn chót ngày 12/8.
Nhưng dù giá tăng nhẹ vào ngày 28/7, triển vọng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và những nhà sản xuất dầu liên minh (OPEC+) tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế nguồn cung đã kìm hãm đà tăng.
Một nguồn tin cho rằng còn quá sớm để khẳng định. OPEC+ đang mong muốn giành lại thị phần trong bối cảnh nhu cầu mùa hè đang giúp hấp thụ lượng dầu dư thừa.