Giá vàng trong nước tiếp nối đà tăng
Trong phiên đầu tuần 13/7, giá vàng tại thị trường châu Á đi lên trên ngưỡng 1.800 USD/ounce do những quan ngại về sự gia tăng số ca mắc COVID-19 mới trên toàn cầu. Giá vàng trong nước theo đó cũng tăng nhẹ.
Giá vàng thế giới tiếp tục ổn định trên mức 1.800 USD/ounce trong phiên giao dịch đêm 13/7, giữa lúc thị trường đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế để hạn chế tác động của dịch COVID-19. Giá vàng trong nước theo đó cũng vẫn giữ vững trên mốc 50 triệu đồng/lượng trong phiên giao dịch 14/7.
Thị trường trong phiên giao dịch đêm 14/7 lại dấy lên trở lại nỗi lo về việc số ca mắc mới COVID-19 tăng trên toàn cầu buộc nhiều khu vực tái áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Khép phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.809,83 USD/ounce. Giá vàng trong nước theo đó cũng tăng mạnh trong phiên giao dịch 15/7.
Kim loại quý trong nước tiếp tục duy trì trên mốc 50 triệu đồng/lượng ở những phiên cuối tuần trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng khi số ca nhiễm COVID-19 mới ngày càng tăng và căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã thúc đẩy nhu cầu đối với vàng.
Sáng 19/7, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 50,38 - 50,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Còn tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC cũng được giao dịch mua vào - bán ra ở mức 50,47 - 50,67 triệu đồng/lượng. Tính chung cả tuần, các doanh nghiệp vàng đã điều chỉnh giá vàng SJC tăng khoảng 200.000 - 300.000 đồng/lượng.
Quy mô của các gói kích thích đủ lớn để hỗ trợ giá vàng
Giá vàng thế giới đã tăng thêm 0,6% trong tuần giao dịch vừa qua, kéo dài chuỗi tăng của kim loại quý này sang tuần thứ sáu liên tiếp.
Ông Phillip Streible, nhà chiến lược thị trường hàng đầu tại Trung tâm Blue Line Futures ở Chicago (Mỹ), nhận đinh: giá vàng có thể chạm mức 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay, nhờ một loạt yếu tố như lãi suất thấp hơn, các biện pháp kích thích tài khóa khổng lồ và kinh tế suy yếu.
Ông Rory Townsend, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường vàng của Công ty môi giới đầu tư WoodMac cho biết, mặc dù đã tiến hành các biện pháp kích thích gần đây, các ngân hàng trung ương vẫn muốn trấn an thị trường rằng họ chưa đưa ra hết các biện pháp hỗ trợ. Do vậy, các ngân hàng này sẽ còn đưa ra nhiều gói kích thích hơn nữa.
Chuyên gia Townsend nói thêm, quy mô của các gói kích thích đủ lớn để hỗ trợ được giá vàng trong thời gian tới. Chính sự gia tăng mạnh mẽ của các gói kích thích trên toàn cầu để bảo vệ các nền kinh tế khỏi tác động của dịch COVID-19 đã đưa giá vàng tăng hơn 19,3% tính từ đầu năm đến nay.
Còn chiến lược gia về thị trường hàng hóa của Công ty tư vấn ANZ, bà Soni Kumari cho biết, các yếu tố như lãi suất thực tế ở mức âm, cân đối tài chính của các ngân hàng trung ương đều gia tăng mạnh, đồng USD yếu hơn và số ca nhiễm COVID-19 mới vẫn đi lên đã làm tăng sức hấp dẫn của vàng như một kênh “trú ẩn an toàn”. Ngoài ra, căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đưa thị trường vàng lên cao hơn.