Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Hậu Giang lúa OM 18 giảm tương đối mạnh 500 đồng/kg còn 6.700 đồng/kg, RVT cũng giảm 100 đồng/kg còn 8.100 đồng/kg.
Tại Đồng Tháp, lúa IR 50404 giảm 100 đồng/kg còn 6.300 đồng/kg; OM6976 giảm 200 đồng/kg còn 6.500 đồng/kg.
Giá lúa ở Tiền Giang thì có sự tăng/giảm tùy loại. Cụ thể, IR 50404 tăng 100 đồng/kg lên 6.700 đồng/kg; còn OC 10 lại giảm 200 đồng/kg về mức 6.300 đồng/kg.
Tại Cần Thơ, lúa IR 50404 giảm 200 đồng/kg còn 6.000 đồng/kg; OM 4218 cũng ghi nhận mức giảm tương tự, còn 6.200 đồng/kg. Riêng lúa Jasmine vẫn ổn định ở mức 7.100 đồng/kg.
Giá lúa tại Sóc Trăng giảm 200 đồng/kg, còn 6.700 đồng/kg. Các loại khác vẫn giữ nguyên giá như: Đài Thơm 8 là 6.600 đồng/kg; ST 24 là 8.200 đồng/kg.
Tại Bến Tre, giá lúa hầu hết không có sự biến động như: ST là 6.900 đồng/kg; IR 50404 là 5.650 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lúa tại An Giang hầu hết có sự ổn định so với tuần trước, như lúa Nàng hoa 9 đang được thương lái thu mua ở mức 5.600 - 5.700 đồng/kg, Đài Thơm 8 từ 5.600 - 5.800 đồng/kg, IR 50404 ở mức từ 5.400 - 5.600 đồng/kg; lúa OM 5451 từ 5.400 - 5.600 đồng/kg; riêng OM 18 từ 5.600 - 5.800 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.
Với mặt hàng lúa nếp, nếp An Giang khô ổn định từ 7.500 - 7.600 đồng/kg.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vùng lúa phải sử dụng giống lúa chất lượng cao đạt chứng nhận, đáp ứng được nhu cầu trong nước và thế giới.
Vùng này phải đảm bảo quy trình sản xuất bền vững, nhất là sử dụng nguyên liệu đầu vào theo hướng giảm phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giống để tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt vùng sản xuất này sẽ được tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, đầu ra có giá trị gia tăng, đem lại lợi ích cho các bên tham gia.
Liên quan về thị trường xuất khẩu gạo, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) mới đăng công báo quy định số 2022/1481 về thuế nhập khẩu gạo xát vào thị trường này.
Theo đó, thuế nhập khẩu đối với gạo xát trắng thuộc mã CN 1006 20, không phải gạo basmati xát vỏ với các giống được đề cập trong Điều 1 của Quy định Ủy ban (EC) số 972/2006 (4), sẽ là 65 EUR/tấn. Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 8 tháng 9 năm 2022.
Cam kết từ Hiệp định EVFTA nêu rõ, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm. EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU.
Trong khi thị trường lúa trong nước vẫn chưa có sự khởi sắc thì trên thị trường gạo châu Á, việc nhà xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ hạn chế xuất khẩu đã buộc người mua phải chuyển sang các nhà cung cấp đối thủ, khiến giá mặt hàng chủ lực này từ các "vựa lúa gạo" khác của châu Á tăng lên trong tuần qua.
Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp đặt mức thuế 20% lên nhiều loại gạo xuất khẩu khác nhau trong bối cảnh nước này cố gắng tăng nguồn cung và hạ nhiệt giá trong nước sau khi lượng mưa ít khiến việc trồng trọt bị ảnh hưởng.
Hoạt động vận chuyển gạo tại các cảng của Ấn Độ đã dừng lại và gần một triệu tấn gạo đang bị mắc kẹt do người mua từ chối trả mức thuế mới.
Trước tình hình đó, các thương nhân Ấn Độ đã không ký các thỏa thuận mua mới trong tuần này.
Một nhà giao dịch tại Mumbai cho hay thị trường đã bị bất ngờ bởi yêu cầu hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ và các nhà giao dịch đang cố gắng tìm cách để hoàn tất các hợp đồng đã ký.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức giá từ 385 - 392 USD/tấn, cao hơn so với mức từ 379 - 387 USD/tấn trong tuần trước đó.
Xuất khẩu của Ấn Độ có thể giảm khoảng 25% trong năm nay khi người mua chuyển sang các nguồn cung ứng rẻ hơn.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên từ 400 - 410 USD/tấn so với mức từ 390 - 393 USD/tấn của tuần trước đó.
Một nhà giao dịch cho biết mặc dù động thái từ Ấn Độ đã làm tăng giá gạo Việt Nam, song xuất khẩu vẫn chưa thấy tăng.
Một thương nhân khác cho biết các nhà xuất khẩu ở Việt Nam không vội ký các hợp đồng mới do dự đoán giá sẽ cao hơn trong những tuần tới.
Bên cạnh đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng từ 425 - 435 USD/tấn so với mức từ 416 - 420 USD/tấn trong tuần trước.
Một thương nhân ở Bangkok cho biết nguồn cung gạo đã bị ảnh hưởng do yếu tố thời tiết như lũ lụt, mưa lớn và một số vấn đề về vận tải. Một thương nhân khác cho biết các thị trường nước ngoài cũng đang theo dõi các diễn biến xung quanh Ấn Độ, điều này đã khiến một số khách hàng lựa chọn gạo Thái Lan.
Một quan chức cấp cao của Bộ Lương thực Bangladesh cho biết nước này cũng đang đàm phán để nhập khẩu gạo từ Thái Lan sau khi hoàn tất các thỏa thuận với Việt Nam, Myanmar và Ấn Độ với tổng khối lượng vào khoảng 530.000 tấn.
Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch 16/9, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ (CBOT) đi ngược chiều nhau, trong đó giá ngô và đậu tương giảm nhẹ, còn giá lúa mỳ tăng.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2022 giảm 0,25 xu Mỹ (0,04%) xuống 6,7725 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 11/2022 giảm 3 xu Mỹ (0,21%) xuống 14,485 USD/bushel. Còn giá lúa mỳ giao tháng 12/2022 tăng 14,75 xu Mỹ (1,75%) lên 8,5975 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá lúa mỳ đã tăng lên sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bóng gió về một cuộc xung đột kéo dài với Ukraine. Trong khi giá ngô và đậu tương giảm do vụ thu hoạch ở Trung Tây đang chờ xử lý.
Công ty nghiên cứu AgResource tại Chicago vẫn giữ dự báo giá giảm đối với các mặt hàng nông sản trên CBOT, trong đó giá đậu tương giao tháng 11/2022 giảm xuống trong khoảng 14,20 - 14,40 USD/bushel, còn giá ngô giao tháng 12/2022 giảm xuống trong khoảng 6,60 - 6,70 USD/bushel. AgResource cũng lưu ý những ảnh hưởng ngày càng tăng mà thị trường tài chính thế giới/Mỹ đang tác động đến giá nông sản CBOT, đây cũng là thị trường nông sản quy mô lớn.
Giá ngô Mỹ đang được chào bán đắt hơn 1 USD/bushel so với giá ngô Argentina. Về lúa mỳ, lúa mỳ 12,5% của Nga được chào bán ở mức 320 USD/tấn, với lúa mỳ Pháp là 340 USD/tấn và lúa mỳ cứng đỏ mùa đông của Mỹ ở mức 428 USD/tấn và lúa mỳ mùa đông đỏ mềm của Mỹ ở mức 375 USD/tấn.
Giá đậu tương Mỹ đắt hơn giá đậu tương Brazil và Argentina chào bán cho tháng 10/2022.
Về tình hình thời tiết, lượng mưa/độ ấm trên khắp miền Trung Mỹ tính đến ngày 26/9 dưới mức bình thường. Bang Iowa, Missouri và Minnesota sẽ có mưa rào vào cuối tuần. Không có dấu hiệu xảy ra băng giá/đóng băng hay bão vùng Vịnh vào ngày 27/9. Thời tiết trong giai đoạn thu hoạch ấm áp và khô ráo, báo hiệu tốt cho chất lượng và năng suất cây trồng và đậu tương.
Thị trường cà phê thế giới cho thấy, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London tiếp nối đà giảm lên phiên thứ sáu. Giá cà phê Robusta giao tháng 11/2022 giảm 24 USD, xuống 2.202 USD/tấn và giá cà phê Robusta giao tháng 1/2023 giảm 25 USD xuống 2.189 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York cùng xu hướng giảm. Giá cà phê Arabica giao ngay tháng 12/2022 giảm 1,30 xu Mỹ, xuống 215,10 xu Mỹ/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 1,45 xu Mỹ, còn 209,75 xu Mỹ/lb (1lb = 0,45kg). Khối lượng giao dịch duy trì dưới mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm thêm 300 - 400 đồng, xuống dao động trong khung 47.200 - 47.700 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta bất ngờ lao dốc sau các thông tin cho rằng sản lượng robusta vụ năm nay của Brazil đạt mức kỷ lục "chưa từng có", kết quả sau nhiều năm mở rộng diện tích trồng mới, với tham vọng sẽ cạnh tranh với vị trí là nhà sản xuất Robusta số một của Việt Nam.
Trong khi đó, chỉ số đồng USD duy trì đà tăng và chứng khoán Mỹ tiếp tục sụt giảm đã đẩy các tiền tệ mới nổi vào thế bất lợi. Phần lớn nhà đầu tư tiếp tục đứng bên ngoài các thị trường do lo ngại lãi suất sẽ tăng cao giữa bối cảnh báo cáo các chỉ số kinh tế Mỹ có khả năng khiến Fed sẽ mạnh tay thắt chặt tiền tệ.
Tác dụng phụ của việc kiềm chế lạm phát, mà góp phần khiến kinh tế thế giới suy thoái, là điều rất khó tránh khỏi.