Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Sóc Trăng, giá lúa tiếp tục đi xuống như: OM 5451 còn 6.600 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; Đài Thơm 8 giảm 200 đồng/kg, ở mức 6.800 đồng/kg; còn ST 24 là 8.300 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.
Giá lúa tại Bến Tre tuần qua cũng ghi nhận tình trạng giảm như: OM 5451 là 5.700 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; OM4218 là 5.750 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg; OM 6976 ở giá 5.700 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; riêng IR 50404 vẫn giữ ở mức 5.700 đồng/kg.
Tại Hậu Giang, ghi nhận sự giảm giá 100 đồng/kg ở lúa IR 50404 còn 6.500 đồng/kg; các loại khác vẫn giữ nguyên như OM 18 là 7.000 đồng/kg, RVT là 7.800 đồng/kg.
Tuy nhiên, tại Cần Thơ, giá lúa có sự ổn định, như: lúa Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, OM 4218 là 6.700 đồng/kg, IR 50404 là 6.400 đồng/kg.
Tương tự tại Kiên Giang, giá lúa IR 40404 vẫn ở mức 6.500 đồng/kg, OM 5451 là 6.800 đồng/kg. Lúa IR 50404 tại Đồng Tháp là 6.400 đồng/kg.
Tại An Giang, lúa Nàng hoa 9 đang được thương lái thu mua ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg; OM 18 từ 5.800 – 6.000 đồng/kg; Đài Thơm 8 từ 5.800 – 6.000 đồng/kg; IR 50404 ở mức từ 5.300 – 5.500 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức từ 5.500 – 5.6700 đồng/kg.
Với mặt hàng lúa nếp, nếp An Giang tươi từ 5.800 – 6.100 đồng/kg; nếp tươi Long An từ 6.100 – 6.300 đồng/kg; nếp An Giang khô từ 7.500 – 7.600 đồng/kg.
Hiện nhiều địa phương đang tích cực thu hoạch lúa Hè Thu. Tại Kiên Giang, vụ Hè Thu 2022, người dân xuống giống 279.699 ha, đạt 99,5% kế hoạch. Đến nay, người dân đã thu hoạch 107.068 ha, năng suất bình quân 5,5 tấn/ha, tập trung ở các huyện Giang Thành, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành, Hòn Đất…
Vụ Hè Thu 2022, do ảnh hưởng của thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng tác động bất lợi đến sự phát triển của cây lúa, ảnh hưởng năng suất. Mặt khác, sản xuất lúa hàng hóa theo hợp đồng bao tiêu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang còn hạn chế, doanh nghiệp chưa thực sự là nơi để nông dân ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa hàng hóa.
Giá lúa giảm thấp, không ổn định, dao động ở mức từ 5.500 – 5.800 đồng/kg nên sau khi trừ chi phí, sản xuất không lời như kỳ vọng khoảng 30 – 35%, thậm chí hoà vốn, thua lỗ.
Cùng với đó, đến thời điểm này, người dân đã gieo sạ 62.890 ha lúa Thu Đông 2022, đạt 78,6% kế hoạch. Tỉnh Kiên Giang tập trung xuống giống dứt điểm 80.000 ha theo kế hoạch trong tháng 8 để không ảnh hưởng đến sản xuất vụ lúa Đông xuân 2022 – 2023.
Tại Đồng Tháp, nhiều địa phương đã cơ bản thu hoạch xong lúa Hè Thu. Ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các địa phương, những khu vực chuẩn bị xuống giống lúa Thu Đông 2022 cần vệ sinh kỹ đồng ruộng, cày ải phơi đất, đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất 3 tuần. Nhiều diện tích không sản xuất lúa Thu Đông, nông dân mạnh dạn xả lũ lấy phù xa, dự kiến có hơn 80.000 ha diện tích sản xuất vụ Thu Đông sẽ xả lũ lấy phù sa.
Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi so với tuần trước ở mức từ 390-393 USD/tấn trong phiên 18/8.
Một thương nhân tại TP Hồ Chí Minh cho biết hiện giá gạo Việt Nam thấp hơn giá gạo Thái Lan do nhu cầu yếu và nguồn cung lớn từ vụ thu hoạch Hè Thu. Hai thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Trung Quốc và Philippines đã giảm lượng mua; trong đó, thị trường Philippines quan tâm nhiều đến gạo giá thấp.
Trái ngược với tình hình giá lúa gạo trong nước thì trên thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng trong tuần qua trong bối cảnh diện tích trồng lúa giảm làm dấy lên lo ngại về nguồn cung của vụ mùa mới.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 365-371 USD/tấn, tăng so với mức từ 360-366 USD/tấn trong tuần trước đó.
Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho biết thời tiết không ủng hộ mùa màng ở miền Đông và miền Bắc Ấn Độ. Các thương nhân đã bắt đầu báo giá lúa cao hơn khi dự kiến sản lượng của vụ mùa mới thấp hơn.
Nước láng giềng Bangladesh sẽ bắt đầu bán gạo với giá rẻ hơn cho 5 triệu gia đình nghèo và mở rộng chương trình bán gạo rẻ từ tháng 9/2022, nhằm kiềm chế giá trong nước tăng cao, sau khi chính phủ tăng giá dầu trong nước.
Bộ trưởng Lương thực Bangladesh Sadhan Chandra Majumder bày tỏ hy vọng thị trường gạo trong nước sẽ ổn định sau khi bắt đầu mở bán, đồng thời cho biết thêm rằng nước này có đủ nguồn dự trữ.
Ở chiều ngược lại, giá gạo 5% tấm của Thái Lan lại giảm xuống từ 416-420 USD/tấn so với mức từ 420-428 USD/tấn. Mặc dù chi phí vận chuyển giảm nhưng vẫn chưa có đơn đặt hàng lớn.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá các loại nông sản Mỹ biến động trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần qua. Trong khi giá ngô và lúa mỳ tăng thì giá đậu tương lại đi xuống.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2022 tăng 7,5 xu Mỹ (1,22%) lên 6,2325 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 12/2022 cũng tiến 22 xu Mỹ (2,94%) lên 7,71 USD/bushel. Tuy nhiên, giá đậu tương giao tháng 11/2022 lại giảm 1,25 xu Mỹ (0,09%) xuống 14,04 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Các nhà quản lý quỹ đang mua lúa mỳ mới, nhưng nhu cầu xuất khẩu mới đang thiếu. Trong bối cảnh sản lượng vụ đậu tương năm 2022 của Mỹ cao kỷ lục, nguyên nhân khiến giá đậu tương trên sàn CBOT cao hơn là do nhu cầu.
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago dự kiến khối lượng giao dịch nông sản trên sàn CBOT sẽ giảm vào cuối mùa Hè, nhưng xu hướng tăng giá vẫn duy trì trong thời gian dài hơn.
Giá chào bán lúa mỳ/ngô FOB (giá tại cửa khẩu bên người bán) của Ukraine đã giảm mạnh do thị trường khuyến khích các nhà nhập khẩu mạo hiểm gửi tàu vào Biển Đen để bốc hàng.
Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh tăng. Giá cà phê Robusta giao tháng 9/2022 tăng 11 USD, lên 2.226 USD/tấn và giá cà phê Robusta giao tháng 11/2022 tăng 8 USD lên 2.226 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Giá cà phê Arabica giao tháng 9/2022 tăng 1,25 xu Mỹ lên 215,95 xu Mỹ/lb và giá cà phê Arabica giao tháng 12/2022 tăng 1,50 xu Mỹ lên 213,35 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 100 – 200 đồng, lên dao động trong khung 47.700 – 48.200 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn điều chỉnh tăng phiên cuối tuần do các giới đầu cơ cân đối tất toán sổ sách kinh doanh trong tuần.
Giá cà phê suy yếu trong cả tuần còn do chỉ số đồng USD tăng 1,84% khiến các tiền tệ mới nổi mất giá làm giảm sức mua và lo ngại rủi ro tăng cao. Tâm trạng tồi tệ này đã góp phần cùng với các yếu tố như lo ngại về lãi suất ở Mỹ, sự suy thoái kinh tế Trung Quốc, lạm phát ở châu Âu và giá cả hàng hóa sụt giảm.
Tuy vậy, giá cà phê hai sàn tăng phiên cuối tuần còn do báo cáo tồn kho tại sàn ICE Europe – London tiếp tục sụt giảm và sau khi nhà tư vấn hàng đầu HedgePoint Global Market đưa ra dự báo ước tính niên vụ 2022/2023 tiêu thụ toàn cầu sẽ tăng 1,9%. Do đó, toàn cầu chỉ dư thừa 0,3 triệu bao, thay vì dư thừa gần 7 triệu bao theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), do sản lượng giảm ở Việt Nam, Colombia, Honduras đã hỗ trợ.