Điều này thể hiện qua sự phân hóa, giằng co rõ rệt trên diễn biến giá của các mặt hàng. Đáng chú ý, chỉ số giá nông sản giảm vào đầu và giữa tuần, tăng mạnh về cuối tuần, khác biệt với xu hướng của nhóm năng lượng. Chốt tuần, sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu, kéo chỉ số MXV-Index tăng 0,2% lên 2.145 điểm. Giá trị giao dịch trung bình toàn sở đạt hơn 6.100 tỷ đồng mỗi ngày, tăng mạnh 30,7% so với tuần trước.
Đồng USD suy yếu kéo giá kim loại tăng mạnh
Theo MXV, kết thúc tuần giao dịch ngày 4 - 10/3, sắc xanh gần phủ kín bảng giá kim loại khi có đến 9 trong tổng số 10 mặt hàng tăng giá. Sự suy yếu của đồng Dollar Mỹ trước kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ kim loại. Trong đó, kim loại quý được hưởng lợi nhiều nhất, với bạc ghi nhận mức tăng mạnh 5,07% trong tuần qua lên 24,54 USD/ounce. Giá bạch kim cũng tăng 3,02% lên mức 914,8 USD/ounce.
Đồng bạc xanh đang phải chịu áp lực vì những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ có dấu hiệu chững lại, thể hiện qua một số dữ liệu trong lĩnh vực sản xuất - dịch vụ, và đặc biệt là tình trạng việc làm trong tháng 2. Điều này là nhân tố chính giúp giá bạc và bạch kim vốn nhạy cảm với biến động tiền tệ đón nhận lực mua khá lớn, khi chi phí nắm giữ bớt đắt đỏ hơn và nhu cầu trú ẩn được phát huy.
Cụ thể, hoạt động dịch vụ của Mỹ có dấu hiệu suy yếu khi chỉ số quản lý thu mua (PMI) phi sản xuất tháng 2 của Mỹ đạt mức 52,6 điểm, thấp hơn 0,4 điểm so với dự báo và mức 53,4 điểm trong tháng 1, theo dữ liệu từ Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM). Đáng chú ý, báo cáo bảng lương phi nông nghiệp (NFP) cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 2 của Mỹ bất ngờ tăng mạnh lên 3,9%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo và là mức cao nhất trong hai năm.
Trước đó, chủ tịch FED cũng đã gợi ý về khả năng cắt giảm lãi suất “không xa” trong tương lai. Niềm tin này cũng đã củng cố vị thế cho kim loại quý trong tuần. Giá bạc thậm chí có phiên lên cao nhất trong hơn hai tháng.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, những tín hiệu tích cực hơn trong hoạt động thương mại của Trung Quốc cũng đã kéo giá đi lên, bên cạnh sự hỗ trợ từ đồng USD. Giá đồng COMEX tăng 0,78% lên 3,89 USD/pound. Giá quặng sắt cũng phục hồi 1,79% lên 113,93 USD/tấn.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đều vượt dự kiến trong hai tháng đầu năm, lần lượt tăng 7,1% và 3,5% so với cùng kỳ. Riêng đối với đồng và quặng sắt, sản lượng nhập khẩu đều tăng mạnh, phản ánh nhu cầu cải thiện vào đầu năm nay.
Nhập khẩu đồng của Trung Quốc đạt 902.000 tấn trong hai tháng đầu năm 2024, tăng 2,6% so với cùng kỳ, trong khi đó, nhập khẩu quặng sắt tăng 8,1% so với cùng kỳ trong hai tháng đầu năm, đạt tổng cộng 209,45 triệu tấn.
Ngoài ra, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết vẫn còn dư địa để cắt giảm yêu cầu tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng. Tâm lý lạc quan này cũng đã góp phần thúc đẩy lực mua đối với các mặt hàng kim loại cơ bản trong tuần qua.
Thị trường nông sản trên đà hồi phục
Tuần qua, chốt giao dịch vào ngày 8/3, có đến 5/7 mặt hàng nông sản tăng giá từ 2,2% trở lên. Trong đó, giá đậu tương hợp đồng tháng 5 nối dài đà hồi phục từ tuần trước và đóng cửa với mức đi lên tới gần 3%.
Trong các phiên đầu tuần, giá diễn biến tương đối ảm đạm trong bối cảnh thị trường chờ đợi báo cáo Ước tính Cung cầu Nông sản Thế giới (WASDE) tháng 3 công bố. Lực mua chỉ được thúc đẩy mạnh mẽ trong hai phiên cuối tuần nhờ kết quả xuất khẩu tích cực của Mỹ và dự báo mới nhất về triển vọng mùa vụ ở Nam Mỹ trong báo cáo WASDE tháng này.
Trong báo cáo Bán hàng Xuất khẩu (Export Sales), USDA cho biết Mỹ đã bán 613.534 tấn đậu tương niên vụ 23/24 trong tuần 23 - 29/2, tăng gần 300% so với một tuần trước đó. Con số trên cũng vượt ngoài khoảng dự đoán của giới phân tích là 175.000 - 600.000 tấn. Trong tuần đánh giá, Trung Quốc là khách hàng mua đậu tương lớn nhất của Mỹ, với khối lượng đạt hơn 269.000 tấn. Nhu cầu mua hàng của Trung Quốc hồi phục trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã tác động “bullish” mạnh lên giá đậu tương.
Đối với báo cáo WASDE, USDA duy trì dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Argentina ở mức 50 triệu tấn, trái với kỳ vọng của thị trường rằng số liệu này sẽ được nâng nhẹ lên 50,23 triệu tấn. Trong khi đó, USDA đã hạ dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Brazil xuống còn 155 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với báo cáo tháng 2, phản ánh tác động của thời tiết bất lợi đối với mùa vụ. Mặc dù mức cắt giảm của USDA đối với sản lượng đậu tương của Brazil vẫn khá thấp so với mức cắt giảm kỳ vọng của giới phân tích là gần 3,7 triệu tấn, nhưng điều này cũng cho thấy khả năng nguồn cung năm nay từ Brazil sẽ bị thu hẹp và đã tác động lên giá.
Tương tự như đậu tương, giá hai mặt hàng thành phẩm cũng đóng cửa tuần vừa rồi trong sắc xanh. Triển vọng mùa vụ tiêu cực ở Argentina trong niên vụ 23/24 đã hỗ trợ giá khô đậu tương, trong khi nhu cầu gia tăng từ Ấn Độ đã thúc đẩy lực mua đối với dầu đậu tương. Trong báo cáo của Sở Giao dịch Ngũ cốc Rosario cho thấy 77% một đợt La Nina mạnh sẽ xảy ra trong tháng 10 năm nay tại Argentina, đem lại khí hậu khô nóng cùng lượng mưa thấp hơn. Điều này đe dọa triển vọng sản lượng khô đậu niên vụ 23/24 của Argentina. Trong khi đó, Ấn Độ dự kiến nhập khẩu 4,3 triệu tấn dầu đậu trong niên vụ 23/24, tăng so với mức 3,5 triệu tấn của niên vụ trước.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong ngày 10/3, giá khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về cảng Việt Nam chưa có nhiều thay đổi. Theo đó, giá chào bán khô đậu tương Nam Mỹ tại cảng Cái Lân ở mức 12.050 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao tháng 4, giá khô đậu tương dao động quanh mức 11.300 - 11.350 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn khoảng 100 đồng so với cảng Cái Lân.