Trong chiều 22/1, giá vàng giao ngay có lúc giảm 0,4% xuống 2.022,28 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,3% xuống 2.023,80 USD/ounce.
Kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024 của Fed thấp hơn đã tác động đến giá vàng. Tuy nhiên, nhà phân tích thị trường cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại công ty tài chính OANDA Kelvin Wong cho biết bất ổn địa chính trị ở Trung Đông, đặc biệt là xung quanh tuyến đường Biển Đỏ, đã giữ cho giá vàng được hỗ trợ trên mức 2.015 USD/ounce.
Các tài sản trú ẩn an toàn khác cũng giảm, với chỉ số đồng USD giảm 0,1% xuống mức thấp gần một tuần, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chuẩn của Mỹ giảm từ mức cao hơn một tháng xuống 4,1148%.
Giá vàng đã giảm khoảng 1% trong tuần trước, mức giảm lớn nhất tính theo tuần trong 6 tuần, sau khi các quan chức Fed cho biết họ cần có thêm dữ liệu lạm phát trước khi đưa ra bất kỳ quyết định cắt giảm lãi suất nào và thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất là vào quý III/2024.
Các nhà giao dịch ước tính mức cắt giảm lãi suất 132 điểm cơ bản (bps) trong năm nay, giảm so với mức 150 điểm cơ bản đưa ra hai tuần trước.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) dự kiến sẽ duy trì chính sách siêu nới lỏng tại cuộc họp ngày 23/1. Các nhà đầu tư sẽ hướng sự chú ý đến báo cáo về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sơ bộ của Mỹ, công bố ngày 24/1, ước tính GDP quý IV, công bố ngày 25/1 và số liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân, công bố ngày 26/1.
Lãi suất cao thường làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,9% xuống 22.18 USD/ounce trong khi giá bạch kim giảm 0,3% xuống 896,27 USD/ounce. Còn giá palladium giảm 0,8% xuống 938,70 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào lúc 17 giờ 12 phút, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 73,50 - 76,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu giảm khi những cơn gió ngược gây áp lực lên triển vọng nhu cầu
Giá dầu châu Á đã giảm nhiều hơn trong phiên ngày 22/1 khi những “cơn gió ngược” kinh tế gây sức ép lên triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu và “lấn áp” những lo ngại về địa chính trị ở Trung Đông và cuộc tấn công vào nhà ga xuất khẩu nhiên liệu của Nga vào cuối tuần qua.
Chiều 22/1, giá dầu Brent biển Bắc có lúc giảm 23 xu, tương đương 0,3%, xuống 78,33 USD/thùng sau khi giảm 54 xu hôm 19/1. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 3/2024 giảm 21 xu xuống 73,04 USD/thùng.
Giá dầu gần như không tăng bất chấp xung đột gia tăng tại Ukraine. Nhà sản xuất khí đốt tự nhiên Novatek (Nga) ngày 21/1 cho biết họ đã buộc phải dừng một số hoạt động tại khu vực Biển Baltic vì hỏa hoạn.
Các cuộc tấn công ở Biển Đỏ đã làm gián đoạn hoạt động thương mại toàn cầu, gây ra tình trạng thắt chặt nguồn cung trên thị trường châu Âu và châu Phi, đẩy mức chênh lệch hợp đồng dầu Brent tháng đầu tiên với hợp đồng sáu tháng lên 1,19 USD/thùng hôm 19/1.
Theo nhà phân tích Tony Sycamore của ngân hàng IG, các yếu tố cơ bản về dầu vẫn là yếu tố cản trở giá cả. Ông cho hay sản lượng dầu cao hơn, còn triển vọng tăng trưởng ở Trung Quốc và châu Âu không đồng đều. Trong khi đó dữ liệu GDP, công bố trong tuần này, dự kiến sẽ cho thấy tốc độ của nền kinh tế Mỹ đã chậm lại đáng kể.
Dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Cơ quan Năng lượng Quốc tế và Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho năm 2024 nằm trong khoảng từ 1,24 triệu thùng/ngày đến 2,25 triệu thùng/ngày dù cho cả ba tổ chức này đều dự đoán nhu cầu vàng đen sẽ giảm tốc trong 2025.
Số liệu của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes ngày 19/1 cho thấy số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ đã giảm 2 giàn xuống còn 497 giàn trong tuần trước, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2023.
Chứng khoán châu Á trái chiều do lo ngại về tình hình Trung Quốc
Các thị trường chứng khoán châu Á đi ngược chiều nhau trong phiên 22/1 trong bối cảnh các quan chức Fed đang tìm cách hạn chế đồn đoán về một đợt cắt giảm lãi suất sớm của các nhà đầu tư.
Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 1,6% lên 36.546,95 điểm, nới rộng đà tăng ghi nhận được từ đầu năm 2024 nhờ đồng yen suy yếu và lạm phát tại Nhật Bản tăng. Bên cạnh đó, các nhà giao dịch đang chờ đợi quyết định chính sách của BoJ vào cuối tuần này.
Chứng khoán Sydney, Manila và Wellington cũng tăng.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 2,3% xuống 14.961,18 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite giảm 2,7% xuống 2.756,34 điểm, do những dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc và các quan chức thiếu biện pháp để kích hoạch tăng trưởng kinh tế đất nước.
Chứng khoán Seoul, Singapore, Jakarta và Bangkok cũng đi cùng xu hướng với chứng khoán Trung Quốc.
Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 1,36 điểm (0,12%) lên 1.182,86 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,29 điểm (0,13%) lên 229,77 điểm.