Thực tế, thông tin này được đưa ra giữa lúc thị trường đang diễn biến rất tích cực, VN - Index đã có tới 4 phiên tăng trưởng liên tiếp cùng với việc dòng tiền giải ngân tăng cao, càng khiến giới đầu tư hào hứng hơn.
Tính đến 9 giờ 40 phút, VN - Index tăng hơn 7 điểm lên mức gần 804 điểm. Toàn sàn có tới 215 mã tăng giá, trong khi chỉ có 69 mã giảm giá.
HNX - Index cũng tăng 0,78 điểm lên hơn 109 điểm. Toàn sàn có 49 mã tăng giá và 38 mã giảm giá.
Trong rổ cổ phiếu VN30 có 26 mã tăng giá, trong khi chỉ có 3 mã giảm giá. Các mã tăng mạnh có thể kể đến như SAB, VRE, BVH, VJC, VIC, VNM...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn mỗi NVB ở chiều giảm giá. Các mã STB, MBB, HDB, VPB, VCB, CTG, BID, ACB... đều ở chiều tăng giá.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng diễn biến rất tích cực. Các mã GAS, PLX, PVB, PVS, PVD, BSR.... có mức tăng khá mạnh.
Trên thị trường chứng khoán thế giới, Phố Wall đi lên trong phiên giao dịch 7/5, dẫn đầu bởi đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ, qua đó giúp chỉ số Nasdaq Composite lấy lại toàn bộ những mất mát kể từ đầu năm 2020. Giới đầu tư cổ phiếu trong phiên này đã “phớt lờ” báo cáo về sự gia tăng lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước để tập trung vào việc từng bước tái mở cửa nền kinh tế Mỹ.
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,9%, lên 23.875,89 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,2%, lên 2.881,19 USD/thùng. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,4%, đóng cửa ở mức 8.979,66 điểm.
Đây là phiên tăng điểm thứ tư liên tiếp của Nasdaq, phần lớn nhờ vào đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu công nghệ lớn như Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Alphabet. Những cổ phiếu này đều tăng ít nhất 15,8% trong quý này và tăng kể từ đầu năm 2020. Microsoft, một cổ phiếu công nghệ chủ chốt khác, đã bứt phá hơn 16% kể từ đầu năm nay.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ vẫn tiếp tục tăng, mặc dù với tốc độ chậm hơn. Trong tuần kết thúc vào ngày 2/5, Mỹ đã tiếp nhận tổng cộng 3,2 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp, nâng tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này kể từ khi nước này thực hiện các biện pháp phong tỏa xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 lên 33,5 triệu đơn. Dữ liệu này được đưa ra trước khi Bộ Lao động công bố báo cáo việc làm tháng 4/2020 vào ngày 8/5 (giờ địa phương), cung cấp bức tranh toàn diện nhất từ trước tới nay về sự tàn phá của dịch COVID-19 đối với thị trường lao động Mỹ.
Các bang của Mỹ như California và New York đã tiết lộ kế hoạch dần mở cửa trở lại nền kinh tế. Những bang khác, bao gồm Georgia, đã cho phép một số doanh nghiệp không thiết yếu nối lại hoạt động.
Trong khi đó, Trung Quốc đã thông báo kim ngạch xuất khẩu tốt hơn dự báo trong tháng 4/2020. Theo đó, dữ liệu từ Tổng cục Hải quan công bố ngày 7/5 cho thấy kim ngạch xuất khẩu của nước này tăng 3,5% trong tháng 4/2020, trái ngược hoàn toàn với mức dự báo giảm 15,7% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters.
Dữ liệu kinh tế gần đây của Trung Quốc, nơi khởi phát dịch COVID-19, được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ vì quốc gia này là một trong những nước đầu tiên nới lỏng các biện pháp phong tỏa.