Tính đến ngày 21/12, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 10,14% so với cuối năm 2019 và tăng 11,62% so cùng kỳ 2019. “Nửa đầu năm 2020, tín dụng tăng chậm, song từ quý II/2020, cầu tín dụng bắt đầu tăng. Cụ thể, đến cuối quý I/2020 tăng trưởng tín dụng chỉ có 1,31%, thì cuối quý II/2020 đã tăng dần lên 3,65%. Đến cuối quý III/2020 tăng 6,08% và đến 21/12 tín dụng đã tăng 10,14%. Dự kiến tín dụng năm 2020 tăng khoảng 11% so với cuối năm 2019. Đó cũng là kết quả tích cực trước bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đối mặt nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Theo NHNN, năm nay, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch phù hợp với cơ cấu các ngành trong GDP; tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, so với cuối năm 2019, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu năm 2020 tăng 10,4%; tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 9,8%, đáng chú ý tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch COVID-19 tăng 11%, cao hơn mức chung của toàn ngành. Trong khi đó, tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho hay: Năm 2021, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có hiệu quả. NHNN chú trọng định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
NHNN sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Cho vay nông nghiệp nông thôn, cho vay DNNVV, cho vay nhà ở xã hội. NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) phải tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau để kịp thời nắm bắt và xử lý khó khăn cho khách hàng vay vốn; phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của doanh nghiệp, người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen".
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được Quốc hội xác định ở mức 6%, theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV chia sẻ: Tín dụng ngân hàng tăng khoảng 10 - 15% là phù hợp. “Dù kinh tế phục hồi, nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro đang chờ đợi các ngân hàng trong năm 2021. Tín dụng tuy khởi sắc, song chưa thể tăng trưởng cao trở lại. Bên cạnh đó, nợ xấu tiềm ẩn đang tăng lên rất nhanh, lợi nhuận có nguy cơ giảm. Theo tôi, nợ xấu năm tới có thể sẽ lên tới 3,5 - 4%”, TS Cấn Văn Lực cho hay.
Theo TS Lực, giới chuyên gia tài chính kỳ vọng, NHNN sẽ chỉnh sửa Thông tư 01/2020/TT-NHNN về giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp để nợ xấu không “bám chắc” vào nền kinh tế, doanh nghiệp, ngân hàng. Tất nhiên, thời hạn của Thông tư 01 cũng không nên quá dài vì sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại.
Đề cập về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ: Mặc dù khó khăn, đại dịch COVID-19 kéo dài nhưng đến nay, tăng trưởng tín dụng đã khởi sắc tăng nhanh hơn nhiều so với các tháng trước. Điều này cho thấy, tốc độ phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế khá tốt. “Từ đầu năm, NHNN cho biết có gói 300.000 tỷ hỗ trợ doanh nghiệp bởi tác động dịch bệnh, nhưng thực tế có bao nhiêu doanh nghiệp tác động bị dịch bệnh được hưởng đâu? Vay ngân hàng cũng không dễ vì thiếu tài sản thế chấp. Các gói hỗ trợ của ngân hàng trước đây chưa thực sự phát huy hiệu quả. Gói này phần lớn là những khách hàng thân thiết của ngân hàng và những khách hàng có khả năng trả nợ. Đặc biệt là những doanh nghiệp lớn chứ DNNVV đang lao đao vì dịch bệnh rất khó tiếp cận. Do đó, tăng trưởng tín dụng tăng chủ yếu là nhắm vào những khách hàng tốt của ngân hàng”, ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Ở góc độ chuyên gia tài chính ngân hàng, để khơi thông dòng vốn tín dụng, góp phần tăng trưởng nền kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất: Chính phủ và NHNN tổ chức một Tổ hợp tín dụng. Tổ hợp này là tất cả các ngân hàng cùng tham gia vào. Tại Mỹ cũng đang áp dụng cách này, Theo đó, tùy theo ngân hàng lớn tham gia số lượng lớn, ngân hàng nhỏ tham gia số lượng nhỏ. Hạn mức cho Tổ hợp tín dụng này lên đến 300.000 tỷ đồng (tức tương đương gói đầu của NHNN). Các ngân hàng tham gia vào trên cơ sở cho doanh nghiệp vay tín chấp, không phải thể chấp. Đặc biệt là cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ..., có cơ hội tiếp cận.