Tuy nhiên, sự tăng vọt trong thời gian ngắn không làm giảm bớt những lo lắng của các thị trường về sự yếu kém dai dẳng của đồng nội tệ Nhật Bản, ngay cả khi nhiều đồn đoán cho rằng đã có sự can thiệp từ Chính phủ Nhật Bản.
Tính đến 1 giờ chiều ngày 3/5 trên sàn giao dịch New York, đồng yen được giao dịch quanh mức 152,9 yen/USD. Mặc dù đã tăng giá phần nào trong cả tuần qua, bao gồm cả đợt tăng mạnh vào ngày 29/4, nhưng đồng yen vẫn ở mức thấp lịch sử.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc đồng yen đảo chiều đi lên diễn ra sau khi số liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 3/5 cho thấy bảng lương phi nông nghiệp trong tháng Tư bổ sung 175.000 việc làm so với tháng trước, thấp hơn so với ước tính của thị trường là khoảng 240.000 việc làm.
Đồng USD đã bị bán tháo, sau đó đã lan rộng sang nhiều loại tiền tệ khác do khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nhanh chóng hạ lãi suất.
Đồng yen đã dao động quanh mốc 153 yen/USD trong phiên giao dịch ngày 3/5 theo giờ thị trường châu Á.
Với quan điểm ngày càng tăng rằng Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành can thiệp vào việc mua đồng yen vào sáng sớm ngày 2/5 (theo giờ Nhật Bản), các nhà đầu cơ đã ngừng việc bán đồng yen, kết quả là việc mua vào đã làm tăng giá đồng tiền này.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki từ chối bình luận khi được các phóng viên hỏi hôm 3/5 về việc liệu Tokyo có can thiệp tiền tệ ngày 2/5 hay không.
Ông Suzuki nói: “Việc đưa ra đánh giá mức độ này có phù hợp hay không có thể có tác động không lường trước được đến thị trường” và ""tôi sẽ không bình luận".
Nhận xét của ông Suzuki được đưa ra sau hội nghị cấp cao ASEAN+3 giữa các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ông Masato Kanda, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản phụ trách các vấn đề quốc tế, đồng thời là nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu, đã bày tỏ quan điểm rằng sự yếu kém của đồng yen đang đẩy giá lương thực và năng lượng tăng cao.
Viện nghiên cứu Meiji Yasuda ước tính nếu đồng yen giảm xuống còn 170 yen đổi 1 USD, tiền lương thực tế sẽ vẫn ở dưới mức đầu năm trong năm tài chính này.
Điều này có thể sẽ làm chệch hướng mục tiêu của Thủ tướng Fumio Kishida trong việc tạo ra một chu trình lành mạnh giữa tiền lương và giá cả.