Nguyên nhân năng suất lúa Đông Xuân 2017 ở vùng đồng bằng sông Cửu Long giảm là do bị ảnh hưởng của sâu bệnh (chủ yếu là hiện tượng muỗi hành bít đầu bông làm cho bông lúa không trổ thoát được) và những trận mưa giông trái mùa liên tiếp diễn ra ở thời điểm lúa đang trỗ, chín và thu hoạch làm cho nhiều diện tích lúa bị đổ ngã, tỷ lệ thất thoát trong thu hoạch và tỷ lệ hạt lép tăng.
Thu hoạch lúa Đông Xuân 2016 - 2017 tại xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương/TTXVN |
Một số địa phương có sản lượng lúa Đông Xuân giảm nhiều so với năm trước như: Đồng Tháp giảm gần 166.000 tấn; Long An giảm 96.500 tấn; Cần Thơ giảm 59.100 tấn, Kiên Giang giảm hơn 50.000 tấn.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lúa, gạo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long giảm nhẹ trong tháng 5/2017. Giá lúa tươi hiện đang ở mức thấp do diện tích lúa Đông Xuân xuống giống muộn thường kém chất lượng nên không thể phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đang gặp khó khăn, chủ yếu xuất khẩu theo hợp đồng thương mại nên giá không cao so với giá lúa ở thị trường nội địa. Hiện nay lượng gạo tồn kho tại các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đang ở mức cao.
Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, giá lúa tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cụ thể như sau: tại An Giang, lúa IR50404 ổn định ở mức 4.400 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, lúa Hè Thu mới thu hoạch chủng loại IR50404 giảm từ 4.900 đồng/kg xuống còn 4.850 đồng/kg.
Tại Bạc Liêu, lúa chất lượng cao giống OM 5451 giảm 100 đồng/kg, từ 5.100 - 5.300 đồng/kg xuống còn 5.000 - 5.100 đồng/kg; giá thu mua lúa của công ty lương thực cũng giảm từ 200 - 300 đồng/kg, với lúa OM 5451 còn 5.200 - 5.300 đồng/kg (lúa tươi) và 6.000 - 6.100 đồng/kg (lúa khô); lúa OM 4900 còn 5.400 - 5.500 đồng/kg (lúa tươi) và 6.200 - 6.300 đồng/kg (lúa khô).
Tại Kiên Giang, lúa IR50404 giữ ở mức 5.100 đồng/kg; lúa OM 4218 giữ ở mức 5.800 đồng/kg; lúa OM 6976 ở mức 5.800 đồng/kg; lúa Jasmine ổn định ở mức 6.100 đồng/kg.