Ngoài ra, hiện nay, Bộ Công Thương có Quyết định 1182/QĐ-BCT năm 2021 quy định ban hành Danh mục các mặt hàng nhập khẩu (kèm theo mã HS) thực hiện kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương. Theo quy định này, các mặt hàng thuộc đối tượng kiểm tra là các mặt hàng có nguy cơ gây mất an toàn. Như vậy, tất cả các mặt hàng thuộc quyền quản lý của ngành công thương mà không nằm trong danh mục này đều không có bất kỳ thủ tục nào phải tuân thủ về kiểm tra chất lượng sản phẩm, nhà nhập khẩu tự tuyên bố tiêu chuẩn áp dụng.
Các doanh nghiệp và chuyên gia ngành thép cho rằng, thực tế hiện nay, hàng rào kỹ thuật của các quốc gia trên thế giới đang áp dụng như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn độ, Hàn Quốc, Australia, Mỹ, Canada, Anh… thì sản phẩm để nhập khẩu vào các quốc gia đó, bất kỳ là sản phẩm nào, có gây mất an toàn hay không, nhà nhập khẩu phải tuân thủ rất nhiều thủ tục.
Có thể kể đến thủ tục tối thiểu là nhà nhập khẩu phải đăng ký chủng loại mặt hàng với cơ quan quản lý chuyên ngành của nước nhập khẩu trước khi thực hiện nhập khẩu và phải được cơ quan/tổ chức có thẩm quyền của quốc gia nhập khẩu đánh giá thực tế sản xuất, chất lượng sản phẩm tại nhà máy sản xuất, cấp Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia nhập khẩu.
Bản chất hàng rào kỹ thuật này được lập ra với mục đích là kiểm soát tuân thủ chất lượng của quốc gia tiếp nhận, điều tiết lượng hàng nhập khẩu, tránh đe dọa đến sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Văn Sưa cho rằng, với một quốc gia đã cam kết thuế quan sâu rộng như Việt Nam thì điều này cũng là thực sự cần thiết. Chính phủ cần có chính sách quyết liệt để góp phần thúc đẩy cho sản xuất trong nước phát triển, tăng sản xuất công nghiệp, sản phẩm hỗ trợ, tiến tới đa dạng hóa sản phẩm thay thế dần hàng nhập khẩu.
Theo một doanh nghiệp sản xuất thép lớn của Việt Nam, ở các nước, để có thể đưa thép vào thị trường của họ, yêu cầu nhà xuất khẩu phải xin giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn của quốc gia nhập khẩu; đưa ra các yêu cầu mà một loại hàng hóa, quy trình, hệ thống … nào đó bắt buộc phải tuân theo một tiêu chuẩn hoặc được dán nhãn tiêu chuẩn hoặc chứng nhận hợp quy.
Ngoài ra, phải trải qua quá trình kiểm tra nhà máy, kiểm tra sản phẩm hoặc kiểm tra dịch vụ theo các tiêu chuẩn của quốc gia nhập khẩu. Mục đích của những việc này nhằm ngăn chặn tình trạng hàng kém chất lượng tràn vào trong nước, nhiều quốc gia như Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc… đã thực hiện các tiêu chuẩn bắt buộc đối với thép nhập khẩu và thép sản xuất trong nước. Điều này có thể thúc đẩy và nâng cao chất lượng sản phẩm; nâng cao khả năng cạnh tranh của nhà sản xuất địa phương.
Nhưng nhìn lại Việt Nam, doanh nghiệp này cho rằng, các điều kiện nhập khẩu rất "lỏng lẻo". Đơn cử, thép không nằm trong mặt hàng nhóm 2 gây mất an toàn theo TT 06/2020/TT-BKHCN nên không yêu cầu công bố hợp quy, kiểm tra sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu. Thép nhập khẩu vào Việt Nam hiện nay đa phần thuế nhập khẩu là 0%, hàng hóa luồng xanh nên được miễn kiểm tra chi tiết về hồ sơ và hàng hóa.
Trước đây, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN, để được thông quan thép nhập khẩu phải trải qua 2 khâu kiểm tra: Kiểm định chất lượng tại tổ chức kiểm định được chỉ định. Sau đó, doanh nghiệp phải đem giấy kiểm định qua Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Sở Khoa học và Công nghệ để được cấp thông báo kết quả đạt chất lượng.
Tuy nhiên, ngày 21 tháng 9 năm 2017, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 18/2017/TT-BCT bãi bỏ quy trình nhập khẩu thép. Điều này đồng nghĩa với việc tổ chức, cá nhân nhập khẩu không có trách nhiệm công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm thép của mình. Theo đó, trình tự, thủ tục xác nhận nhu cầu nhập khẩu thép, xác nhận kê khai nhập khẩu thép, trình tự, thủ tục và nội dung kiểm tra chất lượng thép sản xuất trong nước, thép nhập khẩu đều được hủy bỏ.
Do vậy, việc nhập khẩu các sản phẩm thép vào Việt Nam được nới lỏng và không có quy trình kiểm tra chất lượng như trước đây dẫn đến việc nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, đặc biệt sản phẩm từ Trung Quốc tăng rất nhanh.
Các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam với quy trình kiểm tra gần như bằng 0 đang đặt ra lo ngại về chất lượng nếu được sử dụng trong các công trình xây dựng, tuổi thọ các công trình này sẽ đến đâu?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Tới, chủ thầu xây dựng và thiết kế công trình nhà ở Hà Nội cho hay, các công trình nhà ở, nhà xã hội nếu sử dụng các loại tôn, thép kém chất lượng sẽ rất ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình, trong khi hiện tại các khâu kiểm soát của Việt Nam từ nguồn nhập vào đến buôn bán trên thị trường còn khá lỏng lẻo.
Theo kiến nghị từ các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng, Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan cần xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra các mặt hàng nói chung và thép nhập khẩu vào Việt Nam nói riêng, cần phải có Chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam cấp phép cho hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.
Ngoài ra, để hỗ trợ sản xuất trong nước trong bối cảnh thị trường khó khăn, có thể tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp đối với sản phẩm thép.
Đồng thời, các bộ, ngành tăng cường cảnh báo, dự báo xu thế thị trường hàng hóa, góp phần hỗ trợ cho sự phát triển ổn định của sản xuất trong nước.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong cuộc họp về đẩy mạnh xuất khẩu mới đây cho hay, các nước lớn đang có xu hướng nâng cao hàng rào kỹ thuật như chuyển đổi năng lượng sạch, sản xuất cacbon thấp, thuế tối thiểu toàn cầu... Xu hướng này đặt ra những luật chơi mới và là cuộc đua không cân sức với những nước còn nhiều khó khăn như Việt Nam.
Do đó, Việt Nam cũng cần nghiên cứu hàng rào kỹ thuật để làm sao không vi phạm cam kết trong các hiệp định thương mại tự do nhưng vẫn hỗ trợ tốt cho sản xuất trong nước. "Để làm được điều này, bản thân những người trong cuộc là từng hiệp hội, từng doanh nghiệp cần nắm bắt chính sách của các nước và đóng góp ý kiến cho Bộ Công Thương, từ đó có phản ứng, đề xuất chính sách lên Chính phủ", lãnh đạo Bộ lưu ý.
Đã có tiền lệ từ các vụ việc mà Hoa Kỳ nhắm vào hàng hóa của Trung Quốc nghi ngờ chuyển tải qua nước thứ ba; trong đó có Việt Nam, để lẩn tránh các mức thuế cao do Hoa Kỳ áp dụng. Nhằm giảm thiểu vấn đề này, các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ Công Thương đã chủ động rà soát, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Bộ Công Thương đã thường xuyên theo dõi và cung cấp danh sách cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ…