Phố Wall ghi điểm trong tuần qua trước triển vọng Mỹ hạ lãi suất

Chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/6 giảm nhẹ, sau khi số liệu việc làm mạnh hơn dự đoán của Mỹ thể hiện một nền kinh tế vững chắc, nhưng lại làm dấy lên lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất lâu hơn so với kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư.

Chú thích ảnh
Hoạt động giao dịch trên sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: Reuters/TTXVN

Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 87,18 điểm, tương ứng 0,22%, xuống 38.798,99 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 5,97 điểm, hay 0,11%, xuống 5.346,99 điểm, chỉ thấp hơn 0,1% so với mức đóng phiên cao kỷ lục 5.354,03 điểm vào ngày 5/6. Chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm 39,99 điểm, tương ứng 0,23%, xuống 17.133,13 điểm.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế nước này đã tạo ra khoảng 272.000 việc làm trong tháng 5/2024, vượt xa mức dự báo 185.000 của các nhà phân tích. Tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ lên 4%.

Chỉ số S&P 500 giảm ngay sau khi báo cáo trên được công bố, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, khi các nhà giao dịch giảm tỷ lệ đặt cược vào khả năng Fed hạ lãi suất vào tháng Chín. Chỉ số S&P 500 đã phục hồi và có thời điểm tăng lên mức cao mới trong ngày khi các nhà đầu tư lưu ý rằng dữ liệu trên cho thấy thể trạng tốt của kinh tế Mỹ.

Cuối cùng, chỉ số này đóng cửa giảm nhẹ, với các nhóm cổ phiếu điện nước, vật liệu và dịch vụ truyền thông là những yếu tố kéo giảm mạnh nhất. Cổ phiếu tài chính và công nghệ lại tăng vượt trội so với các ngành khác.

Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch hiện dự báo 56% khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024. Giới đầu tư sẽ theo dõi dữ liệu lạm phát của Mỹ vào tuần tới và cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Fed, kết thúc vào ngày 12/6.

Ông Ryan Detrick, chiến lược gia hàng đầu về thị trường tại Carson Group cho biết: "Không ai mong đợi Fed cắt giảm lãi suất (vào tuần tới), nhưng liệu Fed có mở ra khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng Chín hay không là câu hỏi lớn".

Trước đó trong tuần này, sau khi biến động trái chiều trong phiên giao dịch đầu tuần này, chứng khoán Mỹ đã có hai phiên tăng điểm liên tiếp sau đó. Đặc biệt, chỉ số S&P 500 và Nasdaq đã xác lập các mức cao kỷ lục mới trong phiên 5/6. Sau đó, chứng khoán Mỹ đã có một nhịp dừng ngắn trong phiên 6/6 trước thềm báo cáo quan trọng về thị trường lao động của Mỹ.

Tính theo tuần, chỉ số Dow Jones tăng nhẹ 0,29%, chấm dứt chuỗi giảm điểm hai tuần liên tiếp. Chỉ số S&P 500 ghi nhận mức tăng 1,32% theo tuần, trong khi Nasdaq tăng 2,38% trong tuần.

Chuyên gia Patrick O'Hare của chuyên trang về thị trường chứng khoán Briefing.com nhận định thị trường chứng khoán hưởng lợi từ hai yếu tố: triển vọng lãi suất thấp hơn và sức mạnh của các cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là Nvidia.

Theo một cuộc khảo sát, lĩnh vực dịch vụ của Mỹ cũng phục hồi trở lại trong tháng Năm vừa qua. Chuyên gia O'Hare cho rằng sự thay đổi này đã giúp xoa dịu những lo ngại về nền kinh tế và làm tăng thêm sự lạc quan của thị trường về khả năng kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm".

Khánh Ly/TTXVN (Tổng hợp)
Chỉ số Dow Jones lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 40.000 điểm
Chỉ số Dow Jones lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 40.000 điểm

Thị trường chứng khoán Mỹ biến động bất nhất trong tuần giao dịch vừa qua, khi tâm lý các nhà đầu tư là chờ đợi những chỉ số lạm phát quan trọng và báo cáo kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN