Cùng với đó, nền kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng tốt, kỳ vọng tăng trưởng cuối năm; lãi suất đang ổn định trên nền thấp. Mặc dù vậy, chứng khoán Việt Nam vẫn còn những các yếu tố bất định, kém tích cực như áp lực bán ròng kéo dài của khối ngoại; căng thẳng địa chính trị trên thế giới vẫn leo thang mở rộng.
Vượt lên vùng giá cao nhất năm 2023
Theo nhóm chuyên gia phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index kết thúc tháng 8/2024 ở mức 1.283,87 điểm, tăng 2,59% so với tháng 7, vượt lên vùng giá cao nhất năm 2023. Đây là diễn biến khá tích cực phù hợp với diễn biến vĩ mô trong nước và quốc tế.
Nhận định về tuần giao dịch cuối tháng 8, các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (CSI) cho biết, trái với những diễn biến bất ngờ và dứt khoát trong 3 tuần đầu tháng, thị trường bước vào tuần giao dịch cuối cùng của tháng 8 với tâm lý thận trọng, nhịp độ giao dịch cũng giảm và hệ quả thị trường gần như đi ngang quanh mốc 1.280 điểm.
Chỉ số VN-Index trải qua 1 tuần sideway (hiện tượng không có xu hướng rõ ràng nào trên thị trường) trong biên độ hẹp từ mức 1.274,7 - 1.290,45 điểm. Mặc dù có 4/5 phiên tăng điểm, tuy nhiên sự “hụt hơi” của lực cầu dần bộc lộ với nhiều phiên “xanh vỏ đỏ lòng”.
Nỗ lực đẩy giá của bên mua đều sớm thất bại ngay đầu phiên sáng, vùng kháng cự 1.300 điểm vẫn là ngưỡng cản lớn khó vượt qua. Chưa thể vượt cản song lực cầu vẫn đỡ giá khá tốt không để chỉ số trượt dốc quá sâu mà hầu như chỉ giảm nhẹ quanh tham chiếu.
Góp công lớn trong thành quả trên là sự vận động tích cực của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, chỉ số VN30 tăng hơn 10 điểm trong tuần qua. Ở phần còn lại, áp lực bán “âm ỉ” ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ cản bước tiến của thị trường. Đóng cửa tuần giao dịch 26 - 30/8, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1,283.87 điểm, giảm 1,45 điểm, tiếp tục lấy đà chờ ngày bứt phá.
Thanh khoản thị trường giảm 17,6% so với mức bình quân 20 tuần giao dịch, thanh khoản đặc biệt giảm mạnh trong những phiên cuối tháng 8. Lũy kế đến cuối tuần giao dịch, thanh khoản khớp lệnh bình quân trên sàn HOSE đạt 626 triệu cổ phiếu (giảm 10,81%), giảm 11,88% về giá trị giao dịch.
Độ mở thị trường có một tuần kém sắc với 18/21 nhóm ngành điều chỉnh. Hầu hết diễn biến các phiên trong tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng”.
Gây áp lực lớn lên thị trường trong tuần qua là các nhóm ngành như hàng tiêu dùng (giảm 4,2%), dệt may (giảm 2,26%), thép (giảm 2,03%), bảo hiểm (giảm 1,77%)...
Ở chiều ngược lại, bất động sản dân cư (tăng 2,31%), dược phẩm (tăng 0,75%), hóa chất (tăng 0,42%).
Khối ngoại bán ròng 824 tỷ đồng trong tuần qua, cường độ bán giảm dần về cuối tuần và tín hiệu tích cực trở lại khi khối ngoại mua ròng nhẹ trong phiên cuối tuần.
Tâm điểm bán ròng trong tuần qua là HPG (755 tỷ đồng), VPB (299 tỷ đồng), VRE (168 tỷ đồng).
CSI nhìn nhận, dù đóng cửa tuần giảm điểm, nhưng tín hiệu tiêu cực chưa xuất hiện, VN-Index vẫn đang trong quá trình Sideway để tích trữ thêm động lượng, hướng tới kỳ vọng vượt mốc tâm lý 1.300 điểm trong thời gian tới.
“Không có nhiều bất ngờ trong tuần qua nên quan điểm của chúng tôi vẫn được giữ nguyên với kỳ vọng VN-Index sẽ hướng tới mốc kháng cự 1.320 - 1.330 điểm”, CSI nêu quan điểm.
Trong Báo cáo tổng quan thị trường chứng khoán tháng 8/2024 vừa phát hành, Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho biết, chỉ số VN-Index đã có 1 tháng đầy biến động khi giảm mạnh vào đầu tháng, xuống vùng đáy gần nhất 1.180 điểm. Sau đó tạo đáy và tăng theo mô hình chữ V lên vùng 1.280 - 1.290 điểm. Lực cầu hồi phục khi có phiên bùng nổ tại vùng 1.240 - 1.250 điểm nhưng lại có phần đuối dần khi chạm vùng đỉnh cũ.
Trong bối cảnh áp lực bán có dấu hiệu gia tăng và nhiều khả năng VN-Index sẽ quay lại kiểm định vai trò hỗ trợ của vùng 1.250 - 1.260 điểm.
VFS đưa ra 2 kịch bản thị trường. Theo đó, kịch bản 1: Áp lực bán suy yếu, các thông tin tích cực thúc đẩy thị trường sau kỳ nghỉ lễ dài. Một cây nến tăng khẳng định xu hướng với thanh khoản lớn vượt kháng cự 1.290 - 1.300 điểm.
Kịch bản 2: VN-Index điều chỉnh xuống vùng hỗ trợ gần nhất 1.250-1.260 điểm khi động lực đến từ phía cầu vẫn tiếp tục yếu.
Thực tế cho thấy, nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam đã có tuần giao dịch đầy thận trọng khiến chỉ số đi ngang và thanh khoản thấp. Điều này 1 phần nguyên nhân đến từ tâm lý “e ngại” giải ngân trước kỳ nghỉ lễ dài ngày. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đang ngóng chờ những thông tin quan trọng giống như các thị trường chứng khoán thế giới
Chờ số liệu kinh tế quan trọng
Các thị trường chứng khoán giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 2/9 khi các nhà đầu tư chờ đợi những số liệu kinh tế quan trọng sắp được công bố.
Chỉ số STOXX 600 của châu Âu (STOXX) giảm 0,21% sau khi đạt mức cao kỷ lục vào thứ Sáu (30/8). Chỉ số DAX của Đức và FTSE 100 của Anh lần lượt giảm 0,1% và 0,2%.
Thị trường chứng khoán châu Âu sụt giảm lúc mở cửa do dữ liệu kinh tế yếu từ Trung Quốc; trong đó, ngành công nghiệp và tiêu dùng dẫn đầu mức giảm, chuyên gia Aneeka Gupta tại WisdomTree cho biết.
Dữ liệu khảo sát công bố vào thứ Bảy (31/8) cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong sáu tháng vào tháng 8/2024 và số liệu công bố hôm thứ Hai (2/9) cho thấy các nhà máy khu vực đồng euro cũng vẫn gặp khó khăn.
Đầu tháng này, thị trường đang tỏ ra thận trọng vì đây là một tháng quan trọng, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị cắt giảm lãi suất. Các thị trường đã phục hồi mạnh mẽ sau đợt bán tháo chớp nhoáng vào đầu tháng 8/2024 nhưng hiện đang phải đối mặt với tháng có hiệu suất yếu nhất trong năm theo mùa, chuyên gia chiến lược cổ phiếu Ben Laidler tại Bradesco BBI cho biết.
Sự kiện lớn trong tuần mà các nhà đầu tư chờ đợi sẽ là báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ công bố vào thứ Sáu (6/9), dự kiến cho thấy nền kinh tế này tăng thêm 165.000 việc làm trong tháng 8/2024, tăng so với mức 114.000 việc làm trong tháng 7/2024. Ngoài ra, số liệu việc làm, đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần và sách be của Fed về tình hình kinh tế hiện nay cũng là những yếu tố rất quan trọng trong tuần này.