Chứng khoán khởi sắc
Trong phiên giao dịch chiều 30/8, chứng khoán châu Á được đà đi lên, với chỉ số chính tại Nhật Bản lên mức cao nhất trong một tháng. Số liệu mạnh mẽ của kinh tế Mỹ đã giúp trấn an các nhà đầu tư giữa những lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei tăng 285,22 điểm (0,74%) lên 38.647,75 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 31/7, khi sự suy yếu của đồng yen hỗ trợ giá cổ phiếu của các nhà xuất khẩu nước này.
Theo các nhà giao dịch, chỉ số Nikkei tăng điểm, giữa bối cảnh tâm lý của thị trường cải thiện. Số liệu mới đây về kinh tế Mỹ đã giúp xoa dịu mối lo ngại về tương lai của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bộ Thương mại Mỹ ngày 29/8 cho biết nền kinh tế nước này đã tăng trưởng cao hơn ước tính ban đầu trong quý II năm nay, nhờ chi tiêu tiêu dùng mạnh hơn dự đoán. Nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý II vừa qua đã tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng trưởng ước tính trước đó là 2,8%.
Chiến lược gia Maki Sawada, tại công ty chứng khoán Nomura Securities Co. nhận định số liệu trên cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng vững chắc.
Bên cạnh đó, sự suy giảm của đồng yen cũng là nhân tố tác động tới các doanh nghiệp xuất khẩu.
Tại Hàn Quốc, chỉ số KOSPI cũng tăng 12,03 điểm (0,45%) lên 2.674,31 điểm, nhờ hoạt động săn hàng giá hời. Phiên này, các nhà đầu tư tăng cường mua vào nhóm cổ phiếu công nghệ, năng lượng và các cổ phiếu blue-chip khác sau đà giảm trong phiên trước.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải tăng 0,7% lên 2.842,21 điểm; còn chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong tăng 1,6% lên 18.073,20 điểm.
Hiện thị trường đang tập trung vào các vấn đề kinh tế và kế hoạch cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết đã đến lúc bắt đầu hạ lãi suất. Tuy nhiên, chuyên gia Luca Santos tại công ty tài chính ACY Securities cho rằng những bình luận của quan chức Fed nhấn mạnh báo cáo việc làm sắp tới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các bước tiếp theo của Fed.
Tại Việt Nam, đóng của phiên giao dịch ngày 30/8, chỉ số VN-Index tăng 2,4 điểm (0,19%) lên 1.283,87 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 0,31 điểm (0,13%) còn 237,56 điểm.
Lo ngại về nguồn cung đẩy giá dầu đi lên
Trong phiên giao dịch chiều 30/8, giá dầu tại thị trường châu Á đi lên khi các nhà đầu tư lo ngại về nguồn cung dầu tại Libya và Iraq. Song, các dấu hiệu cho thấy nhu cầu suy yếu, đặc biệt là ở Trung Quốc, đã hạn chế đà tăng của “vàng đen”.
Vào lúc 13 giờ 30 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao tháng Mười tăng 39 xu (0,5%) lên 80,33 USD/thùng; còn hợp đồng giao tháng Mười Một tăng 34 xu (0,4%) lên 79,16 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 30 xu (0,4%) lên 76,21 USD/thùng.
Do lo ngại về nguồn cung dầu, giá hai mặt hàng trên đã tăng lần lượt 1,6% và 1,8% từ đầu tuần đến nay.
Nhà phân tích Priyanka Sachdeva tại công ty môi giới Phillip Nova nhận định những lo ngại về nguồn cung của Libya và Iraq đã chi phối thị trường. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế ảm đạm của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, tiếp tục là lực cản đối với nhu cầu dầu.
Theo công ty tư vấn Rapidan Energy Group, sản lượng dầu của Libya có thể giảm từ 900.000 - 1 triệu thùng/ngày và kéo dài trong nhiều tuần.
Trong khi đó, nguồn cung của Iraq cũng dự kiến sẽ giảm sau khi sản lượng của nước này vượt quá hạn ngạch của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh, còn gọi là OPEC+. Iraq có kế hoạch giảm sản lượng dầu xuống 3,85-3,9 triệu thùng/ngày vào tháng tới.
Tuy nhiên, giá dầu Brent và WTI vẫn hướng đến mức giảm 0,5% và 2,2% trong tháng Tám, ghi dấu tháng giảm thứ hai liên tiếp, khi những lo ngại về nhu cầu tiếp tục đè nặng lên thị trường.
Giá vàng đi xuống
Trong phiên giao dịch chiều 30/8, giá vàng châu Á đi xuống nhưng vẫn đang trên đà hướng đến tháng tăng thứ hai liên tiếp nhờ kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng tới.
Vào lúc 14 giờ 42 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 2.519,60 USD/ounce.
Ông Peter Fung, quan chức cấp cao tại Wing Fung Precious Metals nhận định xu hướng chung của vàng vẫn là tăng giá do căng thẳng địa chính trị và triển vọng lãi suất thấp hơn. Ông dự đoán đến cuối năm, giá vàng sẽ vượt ngưỡng 2.650 USD/ounce và trong trung hạn đến dài hạn, giá vàng sẽ vượt ngưỡng 2.800 USD/ounce và thậm chí có thể là 3.000 USD/ounce.
Theo công cụ CME FedWatch, các nhà giao dịch dự kiến có 67% khả năng Fed sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản và có 33% khả năng Fed sẽ giảm lãi suất 50 điểm cơ bản.
Nhà phân tích thị trường Tim Waterer của công ty dịch vụ tài chính KCM Trade cho rằng chỉ số về chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) sẽ ảnh hưởng đến quy mô của đợt cắt giảm lãi suất vào tháng Chín.
Tại Việt Nam, chiều 30/8, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 79,00-81,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).