Vào lúc 13 giờ 30 phút (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent tăng 35 xu Mỹ, tương đương 0,46%, lên 76,34 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) ở mức 72,41 USD/thùng, tăng 36 xu Mỹ, tương đương 0,5%.
Bất chấp những lo ngại về rủi ro trần nợ tại Mỹ khiến các nhà đầu tư tìm kiếm nhiều hơn loại tài sản trú ẩn an toàn (vàng), giá dầu thế giới đã có hai phiên tăng liên tiếp, kể từ ngày 22/5.
Chủ tịch công ty Chứng khoán Nissan, Hiroyuki Kikukawa, nhận định giá dầu đang được hỗ trợ bởi nhu cầu xăng dầu của Mỹ sẽ tăng theo mùa, bắt đầu từ tuần tới. Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng, đi kèm với kế hoạch mua hàng bổ sung cho Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) của Mỹ đã góp phần thúc đẩy giá dầu tăng.
Tuần trước, Bộ Năng lượng Mỹ thông báo sẽ mua 3 triệu thùng dầu thô, giao tháng 8/2023, để bổ sung cho SPR. Trong khi, quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện của OPEC+ sẽ có hiệu lực trong tháng này.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết, sự mất cân bằng cán cân cung-cầu dầu có thể sẽ diễn ra trong tháng Sáu, khi việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ được thực hiện đầy đủ và nhu cầu tăng cao hơn.
Tuy nhiên, chính những lo ngại xung quanh cuộc đàm phán nâng trần nợ của Mỹ đã “kìm hãm” một phần của sự tăng giá dầu. Việc Mỹ - quốc gia tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới - có nguy vỡ nợ sẽ gây ra sự hỗn loạn trên thị trường tài chính và lãi suất tăng đột biến, ảnh hưởng đến tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu cả trong nước và toàn cầu.
Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã kết thúc cuộc thảo luận đầu tiên vào ngày 22/5 (theo giờ Mỹ) mà không đạt được thỏa thuận tăng trần nợ 31.400 tỷ USD của Chính phủ Mỹ. Ông McCarthy cho biết, các nhà đàm phán sẽ tiếp tục làm việc để thu hẹp bất đồng và ông cùng Tổng thống Biden sẽ đàm phán hàng ngày nhằm tìm kiếm giải pháp cho một thỏa thuận chung.