Giới phân tích cho rằng việc thị trường tiếp tục đi lên cùng thanh khoản tăng trưởng kỷ lục cho thấy sự hưng phấn của nhà đầu tư, vì vậy xu hướng ngắn hạn của VN-Index vẫn đang tích cực.
Dòng tiền hỗ trợ thị trường
Theo ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC, tuần tới, thị trường có khả năng sẽ chịu áp lực điều chỉnh trong những phiên đầu tuần và hồi phục tăng điểm trở lại về cuối tuần. Xu hướng ngắn hạn của VN-Index vẫn đang tích cực với vùng kháng cự mục tiêu tại 1.100 - 1.110 điểm.
Tuy nhiên, ông Bách cũng lưu ý rằng trạng thái quá mua (giao dịch cao hơn giá trị nội tại) ở nhiều lớp cổ phiếu đã lan tỏa trên diện rộng. Điều này có thể khiến thị trường xuất hiện các phiên rung lắc, điều chỉnh mạnh.
Dòng tiền nhiều khả năng sẽ tiếp tục có sự luân phiên dịch chuyển qua các dòng cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận. Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có thể sẽ diễn biến khởi sắc trong một vài phiên kế tiếp.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC cho rằng, phiên cuối tuần, VN - Index quay trở lại tăng điểm bất chấp tín hiệu rủi ro trong phiên trước cho thấy dòng tiền vẫn đang chủ động hỗ trợ thị trường. Chỉ số này đóng cửa vượt nhẹ mức cao trong 4 phiên trước là điểm tích cực có thể giúp thị trướng nới rộng nhịp tăng hiện tại. Tuy nhiên tạm thời vẫn nên lưu ý khả năng sẽ có giằng co mạnh ở vùng 1.070 điểm.
Nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB – MBS nhận định, phiên giao dịch cuối tuần, thanh khoản vẫn giữ ở mức cao cho thấy nhà đầu tư kỳ vọng về sự phục hồi tiếp diễn của thị trường trong những ngày tới. Giao dịch khối ngoại diễn ra tích cực khi mua ròng trở lại với tổng giá trị gần 65 tỷ đồng. Trong những phiên giao dịch tới, VN - Index có thể kiểm nghiệm lại các ngưỡng kháng cự 1.085 điểm.
Về diễn biến thị trường, kết thúc tuần giao dịch từ 14 - 18/12, VN-Index tăng 21,5 điểm, lên 1.067,46 điểm; HNX-Index tăng 14,7 điểm, lên 177,02 điểm. Thanh khoản trên hai sàn gia tăng so với tuần trước đó với gần 14.900 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 20,6%, lên 67.693 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 15,4%, lên 3.141 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 34,5%, lên 6.594 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 40,2%, lên 532 triệu cổ phiếu.
Theo thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), với việc thị trường tiếp tục tăng điểm trong tuần qua thì phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự tăng trưởng.
Cụ thể, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu tăng mạnh nhất với 6% giá trị vốn hóa, nhờ các đại diện như NKG tăng 5,2%, HSG tăng 5,1%, TRC tăng 3,7%, PHR tăng 3,1%, BFC tăng 1,6%, DPR tăng 1%...
Tiếp theo là nhóm ngân hàng với mức tăng 4,1% vốn hóa, với các mã tiêu biểu như TCB tăng 13,8%, VPB tăng 11,8%, MBB tăng 7,4%, VIB tăng 3,4%, BID tăng 2,6%, VCB tăng 1,7%, CTG 1% ... là động lực chính cho đà tăng của thị trường.
Nhóm công nghiệp tăng 2,9% giá trị vốn hóa với các mã như VCG tăng 8,1%, PHP tăng 1,9%.... Các nhóm ngành khác đều tăng tốt như dầu khí tăng 2,2% giá trị vốn hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng 2,2% giá trị vốn hóa, tài chính tăng 2% giá trị vốn hóa...
Ở chiều ngược lại, nhóm tiện ích cộng đồng giảm 0,4% giá trị vốn hóa, trong khi 2 nhóm là hàng tiêu dùng và dược phẩm và y tế đều giảm 0,2% giá trị vốn hóa.
Ông Lê Hoàng Phương, chuyên viên vĩ mô và chiến lược thị trường của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC thống kê, trong tuần qua, các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index là GVR, TCB và VPB khi đóng góp vào chỉ số lần lượt là 4,86 điểm, 3,40 điểm và 2,25 điểm.
Ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số tuần qua là VIC, VNM và GAS khi lấy đi của chỉ số VN-Index lần lượt 1,94 điểm, 1,26 điểm và 0,63 điểm.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua diễn biến tích cực trong bối cảnh nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ cũng trên đà tăng trưởng nhờ nhờ tâm lý lạc quan về tiến triển trong đàm phán gói kích thích kinh tế của Mỹ.
Tâm lý lạc quan nhờ gói kích thích kinh tế
Mở cửa phiên giao dịch cuối tuần (18/12), thị trường chứng khoán Mỹ đi lên và có thời điểm cả ba chỉ số chính đều vượt mức cao thiết lập trước đó, trong bối cảnh các nhà lập pháp Mỹ đang chạy đua với thời gian để vừa thông qua gói cứu trợ COVID-19, vừa thông qua dự luật ngân sách liên bang trước khi Quốc hội Mỹ bước vào kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới từ ngày 19/12.
Tuy nhiên, xu hướng bán tháo chốt lời đã đẩy thị trường vào vùng đỏ lúc cuối phiên, với chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,4%, xuống mức 30.179,05 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 0,4%, xuống mức 3.709,41 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 0,1% và đóng cửa phiên ở mức 12.755,64 điểm.
Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,4%, S&P 500 tiến thêm 1,3% và chỉ số Nasdaq Composite tăng thêm 3,1%.
Theo Sahak Manuelian, người đứng đầu bộ phận giao dịch cổ phiếu tại Wedbush Securities, thị trường đã "nghỉ xả hơi" trong phiên này sau khi “tăng khá tốt trong tuần”.
Dù giảm điểm trong phiên 18/12, nhưng tính chung cả tuần qua, ba chỉ số chủ chốt trên thị trường chứng khoán Mỹ đều đi lên nhờ tâm lý lạc quan về tiến triển trong đàm phán gói kích thích kinh tế của Mỹ.
Trước sức ép ngày càng gia tăng trong việc thông qua gói kích thích nền kinh tế vốn chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ đã đưa ra đề xuất về gói cứu trợ ước tính khoảng 900 tỷ USD, cho thấy rõ ràng hai đảng đang có sự thỏa hiệp với nhau.
Tại thị trường châu Á, cụ thể là tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi tăng lên mức cao kỷ lục phiên ngày 18/12, nhờ tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư về khả năng đạt được một gói kích thích kinh tế ở Mỹ, dù số ca lây nhiễm COVID-19 bất ngờ tăng cao ở nước này. Chốt phiên này, chỉ số Kospi tăng 1,75 điểm lên 2.772,18 điểm.
Tuy nhiên, vẫn còn có những thị trường chứng khoán tại châu Á đi xuống bởi tâm lý lạc quan về vắc-xin ngừa COVID-19 và các đột phá trong đàm phán về gói kích thích kinh tế mới của Mỹ không đủ sức lấn át thông tin về tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 và tử vong tăng cao trên khắp thế giới.
Kết thúc phiên cuối tuần qua (18/12), tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 43,28 điểm, xuống 26.763,39 điểm, do các nhà đầu tư lo ngại về số ca lây nhiễm COVID-19 tại “xứ sở hoa anh đào” tăng cao bất chấp việc các nhà đầu tư lạc quan về việc phát triển của vắc-xin ngừa COVID-19.
Tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong đều giảm trong phiên 18/12. Chốt phiên, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 179,78 điểm, xuống 26.498,60 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải giảm 9,98 điểm, xuống 3.394,90 điểm.