Giới phân tích cho rằng, diễn biến này là tích cực và lực cầu mua lên khá mạnh, trong khi bên cung có thể đang hạn chế bán ra để chờ giá cao hơn. Do đó, thị trường vẫn có cơ hội nới rộng đà tăng trong tuần tới.
Dấu hiệu khả quan
Công ty cổ phần Chứng khoán MB-MBS cho rằng, dòng tiền chảy mạnh và có tính lan tỏa tốt giúp thị trường tiếp tục khởi sắc và chỉ số VN-Index đóng cửa tuần đã vượt xa ngưỡng kháng cự mạnh 1.030 - 1.037 điểm.
Sự luân chuyển của dòng tiền ở các nhóm cổ phiếu dẫn dắt và ở các trụ là những dấu hiệu cho thấy thị trường mạnh. Bên cạnh đó, động thái mua ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài trong những tuần gần đây được xem là động lực dành cho thị trường.
Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index có triển vọng mở rộng đà tăng để hướng đến vùng kháng cự 1.064 - 1.080 điểm trong tuần tới.
Cùng chung quan điểm này, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC cho rằng, phiên cuối tuần qua (11/12), chỉ số VN-Index tăng dần từ đầu phiên sáng đến cuối phiên chiều và kết phiên ở ngưỡng 1.045 điểm.
Dòng tiền đầu tư gia tăng với 16/19 nhóm ngành tăng điểm. Trong khi đó, khối ngoại mua ròng trên cả 2 sàn HSX và HNX. Ngoài ra, độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tích cực, nhưng thanh khoản suy giảm so với phiên trước. Theo đánh giá của BSC, VN - Index sẽ tiến về vùng điểm quanh 1.050 trong tuần tới.
Nhóm phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng cho biết, tính đến phiên cuối tuần qua, VN-Index đã có 4 phiên tăng điểm liên tiếp với khối lượng giao dịch gia tăng. Các chỉ báo kỹ thuật chỉ ra rằng, VN - Index có cơ hội hướng đến thử thách ngưỡng kháng cự quanh vùng 1.020 - 1.030 điểm (mức đỉnh của năm 2019) và kháng cự xa hơn có thể quanh vùng tâm lý 1.100 điểm.
Đối với sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index có diễn biến tương tự và xu hướng phục hồi đang mạnh dần lên. Chỉ số có thể tiếp tục tiến lên thử thách ngưỡng kháng cự tâm lý 160 điểm. Nhìn chung thị trường đang nằm trong xu hướng phục hồi. Do đó, nhóm phân tích khuyến nghị nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp rung lắc kỹ thuật để tái cơ cấu lại danh mục, với các mục tiêu hướng tới là các cổ phiếu cơ bản tốt và thu hút dòng tiền mạnh.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt-VCSC nêu quan điểm, với sự góp mặt bởi nhóm cổ phiếu Bluechip (cổ phiếu của công ty lớn, có uy tín và tình hình tài chính tốt đã hoạt động trong nhiều năm) và thị trường đã khởi sắc trở lại đem đến sự hưng phấn cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, dòng tiền mạnh chỉ tập trung vào nhóm vốn hóa lớn và tài chính là chủ yếu, chưa có sự lan tỏa trên thị trường. Do đó, các nhà đầu tư cần lưu tâm về dòng chảy tài chính này để “nương” và tìm kiếm cơ hội trong ngắn hạn. Về diễn biến thị trường, kết thúc tuần giao dịch qua (từ 7 - 11/12), VN-Index tăng 24,47 điểm lên 1.045,96 điểm; HNX - Index tăng 9,84 điểm lên 162,32 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn giảm nhẹ so với tuần trước đó, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng 12.200 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 2,7% xuống 56.138 tỷ đồng; giá trị giao dịch trên HNX giảm 10,2% xuống 4.902 tỷ đồng. Với việc thị trường tiếp tục tăng điểm trong tuần qua thì phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự tăng trưởng.
Theo thống kê từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất với 4,4% giá trị vốn hóa nhờ sức kéo của các đại diện như: VPB và SHB đều tăng 1,8%, MBB tăng 2,6%, TCB tăng 3,4%, VCB tăng 6,7%, BID tăng 10%...
Tiếp theo là nhóm nguyên vật liệu với mức tăng 4%, với các mã tiêu biểu như: HPG tăng 5%, NKG tăng 10,3%, HSG tăng 12,5%...
Nhóm dầu khí tăng 3,6% giá trị vốn hóa nhờ sự ủng hộ của giá dầu thế giới, với các mã như: PLX tăng 4,3%, OIL tăng 4,7%, BSR tăng 9,2%...
Các nhóm ngành khác đều có mức tăng khá mạnh như: Dịch vụ tiêu dùng tăng 2,1% giá trị vốn hóa, công nghệ thông tin tăng 2%, tài chính tăng 1,9%, hàng tiêu dùng tăng 1,6%, dược phẩm và y tế tâng 1%, tiện ích cộng đồng tăng 0,7%, công nghiệp tăng 0,4%...
SHS nhận định, dù thanh khoản thị trường vẫn ở mức cao hơn trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu mua lên khá tốt thời điểm này và bên bán có thể vẫn tiết cung để chờ giá cao hơn.
Trên biểu đồ kỹ thuật, VN-Index hiện kết tuần ngay trên ngưỡng kháng cự quanh 1.045 điểm (đỉnh tháng 6/2018) nên áp lực chốt lời có thể gia tăng trong tuần tiếp theo và khả năng điều chỉnh trở lại có thể xảy ra với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.030 điểm (đỉnh tháng 10/2018 và tháng 11/2019) và xa hơn quanh 1.010 điểm.
SHS nhận định, việc khối ngoại quay trở lại mua ròng trong tuần qua với hơn 1.100 tỷ đồng trên hai sàn là một động thái tích cực.
Công ty chứng khoán này dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo, từ 14 - 18/12, VN-Index có thể sẽ điều chỉnh trở lại trước áp lực chốt lời quanh ngưỡng kháng cự 1.045 điểm (đỉnh tháng 6/2018).
Nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tiếp tục bán ra chốt lời quanh ngưỡng kháng cự 1.045 điểm. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao hạn chế mua đuổi và có thể canh những nhịp điều chỉnh về quanh 1.010 điểm (nếu có) để tham gia trở lại, các chuyên gia SHS khuyến nghị.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua diễn biến tích cực trong bối cảnh tâm lý kém lạc quan bao phủ chứng khoán Phố Wall và chứng khoán châu Âu đi xuống trước nỗi lo "Brexit không thỏa thuận".
Chứng khoán thế giới diễn biến tiêu cực
Hai trong ba chỉ số chủ chốt trên thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống trong phiên 11/12 đã thể hiện tâm lý kém lạc quan của nhà đầu tư về bất đồng trong đàm phán gói kích thích kinh tế mới của Mỹ.
Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,2% lên 30.046,37 điểm. Chỉ số S&P 500 SPX giảm 0,1% xuống 3.663,46 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng hạ 0,2% và đóng cửa phiên ở mức 12.377,87 điểm.
Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,6%, S&P 500 mất 1%, còn chỉ số Nasdaq Composite hạ 0,7% so với tuần trước.
Phố Wall tiếp tục đối mặt với một loạt các yếu tố phủ bóng đen lên xu hướng tăng giá cổ phiếu. Gói cứu trợ mà Nhà Trắng đề xuất dự đoán sẽ bị "treo" và theo nhiều nhà phân tích, một thỏa thuận dường như không có khả năng xảy ra trong ngắn hạn.
Lòng tin của nhà đầu tư cũng suy yếu sau khi có báo cáo về số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần lễ kết thúc vào ngày 5/12 đã tăng vọt hơn 137.000 người, cao hơn dự đoán của các chuyên gia kinh tế. Điều này làm dấy lên lo ngại về đợt suy thoái kinh tế mới trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục lây lan nhanh.
Donald Calcagni, Giám đốc đầu tư của Mercer Advisors, nhận định rằng các vấn đề chính sách ở Washington là yếu tố chính thúc đẩy thị trường.
Vẫn còn nỗi lo ngại rằng cuộc bầu cử vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng, động lực thị trường dường như đã giảm và có nhiều rủi ro hơn.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, ngày 11/12, các chỉ số chủ chốt trên thị trường chứng khoán châu Âu đều giảm điểm, trong khi giá đồng bảng Anh cũng đi xuống sau khi các nhà đàm phán cảnh báo về khả năng Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit mà không đạt được thỏa thuận.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số FTSE 100 của London (Anh) giảm 0,8%. Các chỉ số DAX 30 tại Frankfurt (Đức) và CAC 40 tại Paris (Pháp) cũng lần lượt hạ 1,4 và 0,8%.
Vào lúc 5 giờ sáng ngày 12/12 theo giờ Việt Nam, giá đồng bảng Anh giao dịch ở mức 1,3229 USD đổi 1 bảng, giảm từ mức 1,3295 USD đổi 1 bảng trước đó.
Stephen Innes, chiến lược gia về thị trường toàn cầu tại AXI nhận xét, hiện có những dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư tránh các tài sản rủi ro trong bối cảnh lo ngại về Brexit.
Nhà phân tích Jane Foley của Rabobank nói thêm, trong vài tuần qua sự đồng thuận trên thị trường đã đi từ việc tin tưởng rằng EU và Anh sẽ đạt được một thỏa thuận sang lo ngại rằng kịch bản không có thỏa thuận nào có thể là kết quả cuối cùng.
Sự bi quan về mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU cũng gây áp lực hạ giá lên đồng bảng Anh. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại, hàng hóa thông quan giữa hai bên sẽ bị áp thuế và hạn ngạch theo khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ ngày 1/1/2021 sẽ khiến giá cả hàng hóa của Anh tăng lên.