Chốt phiên sáng, VN-Index tăng hơn 10,64 điểm, lên 1.194 điểm; HNX-Index tăng 0,6 điểm lên hơn 243 điểm. Toàn thị trường đạt hơn 469,73 triệu cổ phiếu giao dịch thành công, tương đương giá trị thanh khoản 10.325,75 tỷ đồng.
Nhóm ngành tăng mạnh nhất trong phiên sáng phải kể đến các lĩnh vực: sản xuất nhựa - hóa chất, thiết bị điện, vật liệu xây dựng, bán lẻ và bất động sản. Tuy nhiên, cổ phiếu tăng mạnh nhất trong phiên sáng phải kể đến VIC (+3,46%). Nhờ lực tăng mạnh, VIC đã hỗ trợ đà tăng của thị trường.
Nguyên nhân VIC tăng mạnh sáng nay là do HĐQT Tập đoàn VINGROUP - CTCP (HOSE: VIC) đã thông qua việc góp vốn vào CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (Green - Smart - Mobility) - chủ hãng taxi thuần điện (Xanh SM) - với số vốn góp hơn 297 tỷ đồng, tương ứng 5% vốn điều lệ.
Trước đó vài tháng (ngày 24/3), ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đã hoàn tất chuyển nhượng hơn 50,7 triệu cổ phiếu VIC thuộc sở hữu cá nhân để góp vốn vào GSM. Sau giao dịch, ông Vượng giảm sở hữu tại VIC xuống còn 691,27 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 17,87%. Phần vốn góp được định giá 2.850 tỷ đồng, xác định bằng giá bình quân 50 phiên của cổ phiếu VIC tính đến ngày 27/2/2023, tương đương 95% vốn điều lệ của GSM (3.000 tỷ đồng).
Sau VIC, các cổ phiếu khác cũng góp phần giúp thị trường tăng điểm là VNM, HPG, BCM, BID, MWG, GAS, VRE, FPT, DCM…
Theo CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta), trong tuần 28 - 31/8, thị trường có thể tiếp tục đi ngang quanh mức hiện tại và duy trì đà tăng, đồng thời lực cầu ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng và các chỉ báo kỹ thuật hồi phục từ vùng quá bán cho thấy rủi ro ngắn hạn tiếp tục giảm dần. Điểm tích cực là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa tiếp tục thu hút dòng tiền. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng mạnh cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục lạc quan với diễn biến thị trường hiện tại.
CTCK Vietcap thì dự báo trong ngày hôm nay, nếu lực bán không mạnh, VN-Index sẽ duy trì khả năng tiếp tục hồi phục để kiểm định các kháng cự quanh vùng 1.200 - 1.210 điểm. Ngược lại, nếu VN-Index đóng cửa dưới mốc 1.170 với thanh khoản gia tăng, chỉ số sẽ phát tín hiệu quay lại đà giảm với hỗ trợ EMA100 tại 1.120 - 1.125 điểm.
Còn theo CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS), chỉ số đang dần ổn định trở lại quanh vùng 1.180 - 1.200 điểm và diễn biến này có thể sẽ tiếp tục kéo dài trong một vài tuần tới trước khi xuất hiện xu hướng mới. Về chiến lược đầu tư, với các mã đang có xu hướng bứt phá khỏi nền tích lũy trong tuần này, nhà đầu tư có thể giải ngân thăm dò nhưng không nên mua đuổi giá trong phiên. Mặt khác, nhà đầu tư cũng cần dứt khoát hạ tỷ trọng nếu cổ phiếu chạm ngưỡng cắt lỗ, nhưng nên canh những nhịp phục hồi trong phiên để giảm tỷ trọng chứ không cần thiết phải bán bằng mọi giá.
Tương tự, CTCK BIDV (BSC) khuyến nghị nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng trong những phiên tới bởi tâm lý nhà đầu tư vẫn đang khá thận trọng sau đợt giảm trước đó, khiến cho thanh khoản thấp trong những phiên gần đây.
Trong trung và dài hạn, CTCK Phú Hưng (PHS) dự báo, nếu VN-Index không giữ được đóng cửa trên hỗ trợ MA50 trong những phiên tới thì sẽ suy giảm về hỗ trợ thấp hơn quanh vùng 1.100 - 1.120 điểm (MA100). Nhìn chung, thị trường đang chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn sau phiên giảm ngày 25/8. Do đó, nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng danh mục ở mức an toàn nhằm hạn chế rủi ro từ thị trường chung.