Chứng khoán châu Á “nối gót” phố Wall
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải tăng 1,4% lên 2.829,70 điểm, còn Hang Seng của Hong Kong giảm nhẹ 0,3% xuống 16.081,89 điểm.
Chỉ số Nikkei 225 của Tokyo giảm 0,1% xuống 36.119,92 điểm. Chứng khoán Sydney, Seoul, Singapore, Bangkok, Wellington, Manila và Jakarta cũng tăng, trong khi chứng khoán Mumbai giảm.
Một loạt thông báo từ Trung Quốc đã góp phần kích hoạt thị trường chứng khoán ở Hong Kong và Thượng Hải trong tuần này, trong đó Bloomberg đưa tin rằng các công ty đã chi hơn 4 tỷ USD để mua lại cổ phiếu sau khi các quan chức kêu gọi họ thực hiện trách nhiệm của mình.
Chứng khoán Thượng Hải đã tăng hơn 1% trong phiên ngày 7/2 sau khi tăng hơn 3% trong phiên trước đó. Tuy nhiên, chứng khoán Hong Kong đảo chiều mức tăng hơn 1% lúc sáng và giao dịch trong vùng đỏ trong bối cảnh các nhà đầu tư quan ngại về kế hoạch chưa đầy đủ chi tiết của chính phủ.
Các nhà quan sát cảnh báo các biện pháp này sẽ không đủ để vực dậy niềm tin của các nhà đầu tư đang mệt mỏi, đồng thời nói thêm rằng cần phải làm nhiều việc hơn nữa để khởi động nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và giải quyết cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản.
Trong khi đó, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Cleveland Loretta Mester cho biết sẽ là một "sai lầm" nếu Fed hành động quá sớm, ngay cả khi lạm phát tiếp tục giảm gần hơn mục tiêu 2%. Bà cho biết các nhà hoạch định chính sách sẽ vui vẻ hơn khi "bắt đầu giảm lãi suất" vào cuối năm nay nếu nền kinh tế tiến triển như mong đợi.
Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari cũng có chung quan điểm khi nói rằng cần có nhiều tiến bộ hơn trong việc kiềm chế lạm phát.
Mặc dù tâm trạng các nhà đầu tư đã được cải thiện, song họ vẫn lo ngại về một loạt vấn đề có thể bùng nổ, trong đó có căng thẳng ở Ukraine (U-crai-na) và Trung Đông, bất đồng thương mại Mỹ-Trung, cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc và đà hồi phục của nền kinh tế toàn cầu.
Thị trường dầu tăng phiên thứ ba liên tiếp
Giá dầu châu Á tăng phiên thứ ba liên tiếp trong ngày 7/2 sau số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng ít hơn dự kiến và việc cắt giảm dự báo tăng trưởng sản lượng của Mỹ, nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, làm giảm bớt lo ngại về nguồn cung dư thừa.
Khoảng 14 giờ 28 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển Bắc tăng 10 xu lên 78,69 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 13 xu lên 73,44 USD/thùng.
Trong báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn công bố ngày 6/2, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu trong nước của Mỹ sẽ không vượt mức kỷ lục ghi nhận trong tháng 12/2023 là hơn 13,3 triệu thùng dầu/ngày cho đến tháng 2/2025.
Số liệu của Viện Xăng dầu Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 670,000 thùng trong tuần kết thúc ngày 2/2, thấp hơn dự báo tăng 1,9 triệu mà các nhà phân tích của hãng tin Reuters đưa ra.
Dữ liệu của Chính phủ Mỹ về lượng dầu tồn kho sẽ được công bố sau đó trong ngày 7/2 (theo giờ địa phương).
EIA cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng sản lượng dầu trong nước trong năm 2024 thêm 120.000 thùng/ngày xuống 170.000 thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với mức tăng sản lượng 1,02 triệu thùng/ngày trong năm 2023.
Trong khi đó, các nhà giao dịch đang theo dõi sát sao tình hình ở Trung Đông, đặc biệt là các cuộc tấn công vào tàu thuyền của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ, đã làm gián đoạn hoạt động giao thông qua Kênh đào Suez, tuyến đường vận tải biển nhanh nhất giữa châu Á và châu Âu và là tuyến đường chiếm gần 12% thương mại toàn cầu.