Dầu thô tiếp tục giảm giá khi OPEC+ hoãn lịch họp
Khối lượng giao dịch hạn chế trong ngày Lễ Tạ ơn 23/11 đã khiến giá dầu tiếp tục giảm. Kỳ vọng một số quốc gia trong chính Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh (OPEC+) tăng hạn ngạch sản xuất vào năm sau, gây áp lực cho giá dầu trong phiên. Bên cạnh đó, bức tranh tiêu thụ cũng chưa có đà khởi sắc rõ rệt.
Giá dầu WTI giảm 1% xuống 76,35 USD/thùng tính đến thời điểm cuối phiên 2h30 ngày 24/11. Giá dầu thô Brent kỳ hạn giảm 0,68 USD, tương đương khoảng 0,8%, đạt mức 81,28 USD/thùng. Giá đóng cửa tại các sàn giao dịch quốc tế sẽ được tổng hợp trong ngày giao dịch 25/11 do nghỉ Lễ.
Theo Reuters, các nhà sản xuất OPEC+ đang gặp khó khăn trong thống nhất mức sản lượng, cho thấy sự bất đồng phần lớn có liên quan đến các quốc gia châu Phi khiến cuộc họp bị lùi đến ngày 30/11.
Các thành viên châu Phi của nhóm sản xuất OPEC+ là Angola và Nigeria đang hướng tới sản lượng dầu cao hơn. Nigeria đang sản xuất 1,7 triệu thùng dầu thô và khí ngưng tụ mỗi ngày tính đến 17/11 và dự kiến sẽ đạt 1,8 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay. Người phát ngôn đến từ tập đoàn dầu khí quốc gia này cũng đưa ra kế hoạch tăng sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ trở lại khoảng 2 triệu thùng/ngày vào cuối quý I/2024.
Thống đốc Angola của OPEC cũng cho biết đang đấu tranh để tăng sản lượng quốc gia. Trước đó, Nigeria và Angola nằm trong số các quốc gia bị cắt giảm hạn ngạch tại cuộc họp OPEC+ tháng 6 sau nhiều năm không đáp ứng được các mục tiêu. OPEC+ đã giao nhiệm vụ cho ba tổ chức tư vấn độc lập xác minh số liệu sản xuất của các quốc gia đó và báo cáo tại cuộc họp tiếp theo.
Nguồn cung được kỳ vọng sẽ cải thiện tại khu vực châu Phi, đã tiếp tục kéo giá dầu suy giảm trong phiên hôm qua. Ngoài ra, tăng trưởng nhu cầu vẫn ảm đạm, khiến giá chưa có động lực đảo chiều.
Theo đánh giá của các chuyên gia tư vấn, tăng trưởng nhu cầu dầu của Trung Quốc có thể sẽ giảm trong nửa đầu năm 2024 xuống còn khoảng 4%, đưa tổng sản lượng lên 16,2 - 16,82 triệu thùng/ngày. Trước đó, OPEC và Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) dự kiến nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ tăng trưởng lần lượt là 7,6% và 12,1% vào năm 2023. Nguyên nhân được cho là do tiêu thụ dầu diesel suy yếu trước tổn thất kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, bất chấp sự phục hồi trong nhu cầu nhiên liệu hàng không và hoá dầu.
Giá Robusta quay đầu giảm trong ngày cà phê Arabica nghỉ lễ
Thị trường nguyên liệu công nghiệp tương đối trầm lắng trong ngày hôm qua (23/11) khi nhiều Sở Giao dịch lớn đóng cửa nghỉ Lễ Tạ ơn.
Giá dầu cọ thô quay đầu giảm 0,93% trong phiên hôm qua do lực kéo từ sự suy yếu của giá dầu thực vật trên Sàn Đại Liên. Ở chiều ngược lại, giá đường trắng tăng 0,70%, dù cho Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã hạ dự báo thâm hụt cung – cầu niên vụ 2023/24 từ 7,84 triệu tấn xuống 5,03 triệu tấn trong báo cáo mới nhất.
Thị trường vẫn dành nhiều chú ý đến nhóm cà phê, với 2 mặt hàng quan trọng được giao dịch nhiều nhất trên thị trường nguyên liệu công nghiệp. Chốt ngày hôm qua, giá Robusta giảm 0,95% trong khi Arabica nghỉ Lễ Tạ Ơn. MXV cho biết, hoạt động xuất khẩu cà phê tại Việt Nam dần trở lại sau thời gian khan hiếm nguồn cung. Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 11, nước ta đã xuất đi 36.968 tấn cà phê, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ tháng trước.
Đối với cà phê Arabica, theo Báo cáo tồn kho của ICE-US ngay trước ngày nghỉ lễ, dù tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US không có sự bổ sung nào, tổng mức cà phê hiện tại duy trì tại 290.734 bao loại 60kg. Tuy nhiên, lượng hàng cà phê chờ phân loại vẫn tăng lên. Sau khi đã bỏ qua 3.365 bao cà phê chứng nhận không đạt của Brazil, Sở ICE-US hiện vẫn còn 17.625 đang chờ, cao hơn mức 16.010 bao trong phiên hôm trước. Như vậy, đây cũng vấn được xem là một tín hiệu cho thấy tồn kho đạt chuẩn vẫn còn cơ hội mở rộng trong thời gian tới.
Cũng từ Báo cáo tồn kho của ICE-US, khả năng đáp ứng tiêu chuẩn ICE của Brazil vẫn còn thấp. Trong tổng số 7.765 bao đưa đi chứng nhận 2 ngày gần đây, tỷ lệ thông qua chỉ là 13,3%. Điều này có sẽ thể gây áp lực lên giá Arabica khi mặt hàng này giao dịch trở lại sau nghỉ lễ.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (24/11), giá cà phê trong nước có chiều hướng tăng nhẹ trở lại. Hiện giá thu mua cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên khoảng 57.600 đồng/kg, tăng từ 100-200 đồng/kg. Trong đó, giá mua cao nhất ghi nhận tại tỉnh Đắk Lắk, đạt 57.900 đồng/kg.