Việc chỉ số chứng khoán không phản ánh đúng diễn biến của thị trường, khiến nhiều nhà đầu tư đặt lệnh trong tình trạng “mò mẫm”, vì không xác định được giá chính xác ở thời điểm quyết định.
Điều này khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc, dòng tiền chững lại, giá trị giao dịch phiên sáng 8/6 chỉ đạt 16.662 tỷ đồng, giảm 12% khối lượng và 16% giá trị so với phiên sáng 7/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 9,25 triệu đơn vị, giá trị 935,9 tỷ đồng.
Phiên sáng 8/6, một số cổ phiếu bluehchip tăng tốt như: VJC +4,7% lên 117.000 đồng/cổ phiếu; SBT +2,4% lên 21.400 đồng/cổ phiếu; VHM +2,1% lên 108.200 đồng/cổ phiếu; VNM chỉ còn +1%, MSN +0,8%, VIC +0,7%, REE +0,5% và MWG +0,1%...
Nhiều cổ phiếu trong nhóm ngân hàng giảm như: HDB -3,3% xuống 33.500 đồng/cổ phiếu; STB -2,9% xuống 29.800 đồng/cổ phiếu; MBB -2,9% xuống 38.600 đồng/cổ phiếu; BID -2,6% xuống 45.600 đồng/cổ phiếu; TPB -2,3% xuống 36.350 đồng/cổ phiếu; TCB -2,1% xuống 51.300 đồng/cổ phiếu.
Chốt phiên sáng 8/6, sàn HNX có 78 mã tăng và 115 mã giảm, HNX-Index giảm 3,8 điểm (-1,19%), xuống 314,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 112,9 triệu đơn vị, giá trị 2.700,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 11,9 triệu đơn vị, giá trị 337,4 tỷ đồng.
Còn UpCoM-Index giảm 0,67 điểm (-0,75%), xuống 88,39 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 57,4 triệu đơn vị, giá trị 1.020,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 7 triệu đơn vị, giá trị 102,6 tỷ đồng.
Theo Công ty CP Chứng khoán VNDirect, chỉ số VN-Index duy trì tăng tháng 5/2021, mặc dù dịch COVID-19 bùng phát trong nước lần thứ 4. Tuy nhiên, các cổ phiếu niêm yết phân hóa mạnh với 47% các cổ phiếu niêm yết trên cả 3 sàn giảm trong tháng 5/2021, dù thị trường tăng điểm. Đà tăng của thị trường trong tháng 5/2021 chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Các chuyên gia của VNDirect kỳ vọng: Chỉ số VN-Index sẽ biến động trong khoảng 1.280 - 1.380 điểm trong tháng 6/2021. Bên cạnh các cổ phiếu vốn hóa lớn, một số cổ phiếu vốn hóa trung bình thuộc các ngành thép, bất động sản, dịch vụ tài chính, dệt may và thủy sản sẽ thu hút dòng vốn trong tháng 6/2021.
Một số yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán tháng 6/2021 được nhiều chuyên gia tài chính kỳ vọng như: Một số nền kinh tế lớn đã sẵn sàng mở cửa hoàn toàn trở lại; triển vọng xuất khẩu tươi sáng hơn; kỳ vọng lợi nhuận ròng các công ty niêm yết tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021.
Các chuyên gia của VNDirect cũng đã chỉ ra một số yếu tố có thể tạo ra rủi ro cho thị trường trong tháng 6 này. Đầu tiên là làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ 4 có thể cản trở triển vọng tăng trưởng trong quý II/202; rủi ro lạm phát cao hơn trong quý II/2021 do giá xăng dầu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ cần thận trọng hơn khi tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, dư nợ ký quỹ toàn thị trường đang ở mức cao, gây áp lực khi thị trường điều chỉnh.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổng dư nợ ký quỹ toàn thị trường tính tới ngày 31/5/2021 đã đạt hơn 112.000 tỷ đồng.