Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 77,72 điểm, hay 0,27%, lên 29.019,24 điểm, mức cao nhất trong gần một tháng. Trong khi chỉ số KOSPI tại Seoul ghi thêm 12,04 điểm, hay 0,37% và đóng phiên ở mức cao nhất từ trước đến nay là 3.252,12 điểm.
Chỉ số Shanghai Composite cũng đảo chiều đà giảm trước đó để khép phiên với mức tăng 0,2% lên 3.599,54 điểm, khi giới đầu tư không bị ảnh hưởng nhiều bởi số liệu về tăng trưởng thương mại yếu hơn dự đoán trong tháng Năm. Trong đó, nhập khẩu ghi nhận mức tăng nhanh nhất trong hơn 10 năm là 51% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu chỉ tăng 28%, thấp hơn dự đoán trước đó, có thể là do tình trạng gián đoạn tại nhiều cảng ở miền Nam nước này do dịch COVID-19.
Trái lại, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) giảm 130,82 điểm, hay 0,45%, xuống còn 28.787, 28 điểm. Sắc đỏ cũng được ghi nhận tại các thị trường Sydney và Đài Bắc (Trung Quốc) với các mức giảm lần lượt là 0,2% và 0,4%.
Tại Việt Nam, kết thúc phiên này, chỉ số VN-Index giảm 15,27 điểm, hay 1,11%, xuống còn 1.358,78 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index để mất 11,13 điểm, hay 3,38%, xuống còn 318,63 điểm.
Dù số việc làm của Mỹ chỉ tăng 559.000 việc làm trong tháng Năm, ít hơn dự đoán trước đó, nhưng vẫn khả quan hơn so với số liệu đáng thất vọng của tháng Tư. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5,8% cho thấy còn lâu nền kinh tế Mỹ mới đạt được trạng thái toàn dụng lao động như mục tiêu của Fed.
Thị trường giờ đây sẽ hướng sự chú ý đến số liệu về giá tiêu dùng của Mỹ sẽ được công bố ngày 10/6. Có nhiều dự đoán lạm phát sẽ gia tăng, nhưng Fed vẫn cho rằng sự gia tăng này chỉ là tạm thời.
Giới đầu tư cũng thận trọng trước những phản ứng sắp tới của các công ty công nghệ lớn trước thỏa thuận của Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) về một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu thấp nhất là 15%, dù rất khó để có được sự đồng thuận của toàn thể Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).