Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2018, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2017, tương đương với 72% GDP năm 2018, vượt trước 2 năm chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020.
Tổng giá trị huy động vốn qua TTCK năm 2018 đạt hơn 278.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017, trong đó Chính phủ huy động 192.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và doanh nghiệp huy động được hơn 86.000 tỷ đồng.
Thông qua huy động vốn, các doanh nghiệp đã mở rộng sản xuất, kinh doanh và phát triển, giảm áp lực vay ngân hàng. Giá trị phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đạt 64.900 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2017 và đấu giá cổ phần hóa đạt 21.000 tỷ đồng, tăng gấp 7,7 lần so với năm 2017.
TTCK đã và đang trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, thúc đẩy xã hội hóa việc huy động vốn, góp phần tích cực vào tái cơ cấu, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế. Từ đó, công tác tái cơ cấu thị trường đã được triển khai quyết liệt theo Đề án đã được phê duyệt.
Thực tế cho thấy, chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán đang ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Nhà nước Phạm Hồng Sơn cũng thừa nhận, tình trạng thiếu minh bạch còn tồn tại ở một số công ty đại chúng như: Thiếu chủ động khi công khai các thông tin về hoạt động, sử dụng vốn, quản trị công ty, số liệu tại báo cáo tài chính còn có sai sót.
“Chất lượng quản trị công ty vẫn thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Trên thực tế, các doanh nghiệp trên thị trường kể cả doanh nghiệp niêm yết có quy mô lớn mới chỉ dừng ở mức tuân thủ các quy định, chưa thực sự chủ động hướng tới việc cải thiện chất lượng quản trị công ty để nâng cao hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông”, ông Phạm Hồng Sơn nói.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI, nhà đầu tư không sợ thua lỗ mà họ sợ không công bằng và minh bạch. "Thời gian tới, TTCK sẽ là kênh huy động vốn quan trọng nhất ở Việt Nam. Để trở thành kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp, tất cả nằm ở 2 chữ minh bạch", ông Hưng nói.
Lãnh đạo SSI cũng cho rằng, phần lớn nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam hiện rất nhỏ lẻ và chưa có hiểu biết về thị trường. Nhà đầu tư đang nhìn nhận thị trường này là nơi để bỏ tiền vào và rút ra nhanh nhằm kiếm lời. Việc chưa hình thành niềm tin để nhà đầu tư nhìn nhận TTCK là kênh giữ tiền cũng như việc các doanh nghiệp chưa hình thành tư duy đồng hành với nhà đầu tư là hạn chế lớn, tác động không nhỏ đến TTCK.
Chủ tịch SSI kiến nghị: Chính phủ cần xây dựng được quỹ chỉ số linh động hơn; đồng thời đề xuất Bộ Tài chính cho phép các tổ chức tài chính trung gian trực tiếp xây dựng quỹ chỉ số. Khi đó, cơ quan nhà nước đóng vai trò xét duyệt.
Mặt khác với nhà đầu tư cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng cần phải hướng dòng tiền của họ đến các quỹ đầu tư chỉ số trung gian, tránh tình trạng những người hiểu biết hơn, nắm được cuộc chơi, lấy tiền của nhà đầu tư nhỏ lẻ theo cách không minh bạch. Nhà đầu tư không sợ thua lỗ mà chỉ sợ thiếu minh bạch và không công bằng.
"Năm 2019, Bộ Tài chính cùng UBCK Nhà nước sẽ tiếp tục phát huy tốt hơn nữa, sẽ đồng lòng, nỗ lực nghiên cứu, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường, tăng cường công tác giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước đối với TTCK bảo đảm tính công khai, minh bạch và bình đẳng đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia TTCK", Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ Tài chính, UBCK Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, thực hiện theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, hoàn thiện Luật Chứng khoán (sửa đổi) trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2019; tập trung triển khai Đề án thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và nhiều giải pháp phát triển thị trường, nâng hạng TTCK Việt Nam.