Đây vừa là công việc cần thiết và quan trọng thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, vừa theo kịp xu thế lành mạnh hóa các quan hệ tài chính nhà nước của các quốc gia tiến bộ trên toàn cầu.
Kết quả kiểm toán đạt nhiều thành tựu nổi bật
Sau 25 năm hình thành, phát triển, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ “Vì nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững” mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của một cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công có uy tín, có trách nhiệm với đất nước, với nhân dân. Thành tựu quan trọng nhất mà Kiểm toán Nhà nước đạt được là năng lực, hiệu lực và hiệu quả của hoạt động kiểm toán không ngừng được nâng cao toàn diện. Điều này được thể hiện chân thực, rõ nét trên nhiều khía cạnh.
Nổi bật nhất, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 413 nghìn tỷ đồng, đặc biệt, kết quả xử lý tài chính có bước tiến mạnh trong 5 năm (2013-2018) với tổng xử lý tài chính 288.671 tỷ đồng (trong đó tăng thu, giảm chi 144.261 tỷ đồng; kiến nghị khác 144.410 tỷ đồng), gấp hơn 2,3 lần tổng số kiến nghị trong 20 năm từ 1994 đến năm 2013.
Cùng với đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, thay thế hơn 1.200 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước tránh thất thoát, lãng phí, góp phần quan trọng làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế trong tiến trình phát triển của đất nước, như: hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hình thức đối tác công tư; hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng đất; cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; công tác quản lý thu, chống thất thu thuế; công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần...
Hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước không chỉ góp phần nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý, điều hành tài chính công, tài sản công, mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính công và kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế. Đồng thời, góp phần phát hiện và ngăn chặn các hành vi lạm dụng quyền lực làm thất thoát, lãng phí và phòng, chống tham nhũng thông qua việc cung cấp hàng trăm bộ hồ sơ kiểm toán cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương và các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng; chuyển hàng chục bộ hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan Cảnh sát điều tra.
Công khai kết quả kiểm toán - thẩm quyền và trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước
Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện quy định công khai kết quả kiểm toán theo Nghị định số 91/2008/NĐ-CP của Chính phủ, thông qua các hình thức: Họp báo; công bố trên Công báo và các phương tiện thông tin đại chúng; đăng tải trên Trang thông tin điện tử và các ấn phẩm của Kiểm toán Nhà nước; cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Những nội dung được Kiểm toán Nhà nước công khai gồm: Báo cáo kiểm toán năm về kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước và tổng hợp kết quả kiểm toán trong năm của Kiểm toán Nhà nước cùng kết luận và kiến nghị kiểm toán; Báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước; Báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán (trừ những tài liệu và số liệu bí mật theo quy định). Các nội dung trên được Kiểm toán Nhà nước tuân thủ theo quy định công khai trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Quốc hội thông qua Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm.
Kể từ khi Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 24/6/2015, Kiểm toán Nhà nước thực hiện công khai kết quả kiểm toán theo Điều 50 của Luật này, trong đó quy định về công khai báo cáo kiểm toán như sau: báo cáo kiểm toán sau khi phát hành được công bố công khai, trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật. Tổng Kiểm toán Nhà nước tổ chức công khai báo cáo kiểm toán theo hình thức: Họp báo; công bố trên Công báo và phương tiện thông tin đại chúng; đăng tải trên trang thông tin điện tử và các ấn phẩm của Kiểm toán Nhà nước; niêm yết tại trụ sở của đơn vị được kiểm toán. Đây là những quy định pháp lý cần thiết để Tổng Kiểm toán Nhà nước thực thi quyền công khai hóa của Kiểm toán Nhà nước.
Kết quả kiểm toán được công khai thu hút sự quan tâm đặc biệt
Thực hiện theo quy định của pháp luật, hàng năm, Kiểm toán Nhà nước đều thực hiện công khai kết quả kiểm toán theo từng niên độ tài chính. Thông tin kết quả kiểm toán được Kiểm toán Nhà nước công khai luôn được đông đảo cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có các cơ quan thông tấn báo chí trung ương, địa phương đặc biệt chú ý. Từ nguồn thông tin chính thống quan trọng này, các tòa soạn báo, phóng viên có được một cơ sở vững chắc, tin cậy để triển khai những đề tài “nóng hổi” về tình hình quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các cơ quan, địa phương, đơn vị nào đó, nhất là thông tin về những hành vi sai phạm gây thiệt hại, thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước, được đông đảo công chúng quan tâm.
Ngày 16/8/2006, Kiểm toán Nhà nước đã lần đầu tiên tổ chức họp báo công bố công khai kết quả kiểm toán năm. Những ấn phẩm, phương tiện truyền thông của Kiểm toán Nhà nước cũng đã đăng tải nhiều tin, bài phản ánh về công khai kết quả kiểm toán bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan.
Kể từ đó, trong đời sống kinh tế - xã hội ở Việt Nam đã xuất hiện một nguồn thông tin mới - công khai kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, thu hút được sự quan tâm của xã hội và nhân dân. Qua kênh này, người dân và xã hội có thêm thông tin, sự đánh giá về tình hình tài chính nhà nước, tài chính quốc gia và trực diện là tình hình quản lý, tập trung, sử dụng ngân sách nhà nước.
Việc công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán có tác động mạnh đến dư luận xã hội ở thời điểm công khai, nhất là đối với những vấn đề “nóng”, được xã hội quan tâm mà Kiểm toán Nhà nước trong quá trình định kỳ triển khai kiểm toán đã phát hiện như: vấn đề tiền lương của các công ty lao động công ích tại Thành phố Hồ Chí Minh; vấn đề truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco); kết quả kiểm toán tại các dự án BT, BOT…
Thực tế đã cho thấy, kết quả kiểm toán sau khi được Kiểm toán Nhà nước công khai, được các cơ quan chức năng và dư luận xã hội đồng tình, đánh giá rất cao. Việc công khai hóa và minh bạch hóa kết luận, kiến nghị và thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tạo điều kiện cho nhân dân, các cơ quan đại diện cho dân trong việc phân tích, đánh giá tác động các chính sách của nhà nước, có kiến nghị cần thiết để có những điều chỉnh hợp lý và quyết sách kịp thời, phù hợp.
Theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả kiểm toán được Kiểm toán Nhà nước công khai tạo ra áp lực lớn từ phía công chúng đến các đơn vị được kiểm toán và các cơ quan có liên quan. Cũng có tình huống sau khi công khai kết quả kiểm toán đã có đơn vị được kiểm toán đề nghị Kiểm toán Nhà nước làm rõ thêm hoặc giải thích các nội dung mà báo chí đăng tải chưa chính xác hoặc dễ gây hiểu lầm.
Theo quan điểm của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, việc công khai kết quả kiểm toán, kiến nghị và thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước phải hướng tới tôn trọng những nhân tố tích cực của quá trình xây dựng nền tài chính quốc gia và đẩy lùi những tiêu cực trong hoạt động tài chính nhà nước, lành mạnh hóa các quan hệ tài chính.
Công khai hóa, minh bạch hóa kiến nghị và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước góp phần xây dựng bộ máy hành chính, bộ máy quản lý tài chính nhà nước ngày càng trong sạch, hiệu lực và hiệu quả, tham gia tích cực và quyết liệt vào mặt trận chống tham nhũng, lãng phí, chống lại sự vô trách nhiệm, yếu kém trong quản lý và sử dụng ngân quỹ quốc gia.