Khối ngoại giữ đà tăng cho thị trường chứng khoán

Trước áp lực chốt lời ngắn hạn thời gian qua, động lực từ khối ngoại đã giúp thị trường giữ được xu hướng tích cực. Kết phiên cuối tuần qua, VN-Index vẫn giữ được đà tăng dù lực cung bán ra vẫn hiện diện và gia tăng về cuối phiên.

Chú thích ảnh
 Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán. Ảnh tư liệu: Hứa Chung/TTXVN

Dữ liệu thị trường ghi nhận, giá trị giao dịch của khối ngoại tăng rất mạnh từ tháng 11. Cụ thể, khối ngoại mua ròng hơn 15.900 tỷ đồng trong tháng 11, mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 5/2018 (22,8 nghìn tỷ đồng). Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại đạt 14% trong tháng 11, cao hơn mức 11,1% ở tháng 10 và bỏ xa mức 8,3% bình quân 11 tháng năm 2022.

Tính chung 11 tháng năm 2022, khối ngoại đã mua ròng khoảng 16.821 tỷ đồng trên 3 sàn. Tỷ trọng giá trị giao dịch của khối ngoại đã tăng mạnh từ 6,2% đầu năm 2022 lên 14,8% trên tổng giá trị giao dịch thị trường vào cuối tháng 11.

Theo Báo cáo Chiến lược đầu tư năm 2023 vừa được Công ty Chứng khoán VNDirect công bố, thời gian qua, trong khi thanh khoản suy yếu do chính sách tiền tệ dần thắt chặt, điểm sáng của thị trường chính từ sự quay lại của khối ngoại.

Lý giải về động thái này, chuyên viên VNDirect Trần Khánh Hiền nhận định, tín hiệu đạt đỉnh của cả lạm phát toàn cầu lẫn lãi suất của Mỹ sẽ kích thích khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng cao từ những thị trường mới nổi.

Ngoài ra, việc thất thế gần đây của các cổ phiếu công nghệ tại đã dẫn đến sự chuyển hướng đầu tư sang các hoạt động kinh doanh truyền thống. Đây cũng là bản chất của thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi ngân hàng, bất động sản, điện lực, tiêu dùng chiếm ưu thế về vốn hóa.

Dưới góc độ phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Agribank (AGR) cho rằng, tín hiệu tích cực đến từ giao dịch nhà đầu tư nước ngoài khi thị trường hiện đã hình thành vùng đáy và mặt bằng định giá vẫn đang hấp dẫn, P/E thị trường đang ở mức 10,8 lần, tiệm cận vùng thấp nhất của định giá thị trường 10 năm qua.

Bên cạnh đó, áp lực bán giải chấp lớn với nhiều cổ phiếu đã dần kết thúc đánh dấu bước chuyển trong diễn biến tâm lý thị trường. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước mới thực hiện nới room tín dụng cho toàn hệ thống thêm khoảng 1,5 - 2% để hỗ trợ vốn cho nền kinh tế.

Thời điểm này, AGR khuyến nghị nhà đầu tư nên lựa chọn những cổ phiếu đầu ngành có mức định giá P/E, P/B ở vùng thấp so với lịch sử, ưu tiên các doanh nghiệp không có tính chu kỳ hoặc đang được khối ngoại mua ròng.

Tháng 12, một trong những cổ phiếu được AGR đưa vào danh mục khuyến nghị giao dịch là HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Cổ phiếu này cũng đã có phiên giao dịch thăng hoa cuối tuần qua khi nhiều chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được nối lại.

Với ngành hàng không Việt Nam, Trung Quốc là quốc gia chiếm hơn 1/3 sản lượng hành khách quốc tế tại thời điểm trước dịch và là quốc gia chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu sản lượng hành khách.

Về phía Công ty Chứng khoán SSI cũng cho rằng, hiện tại, dòng tiền mới từ khối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh tạo động lực cho dòng tiền cá nhân tham gia tìm cơ hội ngắn hạn giúp thị trường giao dịch sôi động hơn.

Trước đó, tháng 11, khối ngoại tập trung mua vào HPG của Tập đoàn Hòa Phát, STB của Ngân hàng Sacombank, CTG của Ngân hàng VietinBank, VHM của Công ty Vinhomes, SSI của Công ty Chứng khoán SSI...

Diệp Anh (TTXVN)
Khối ngoại mua ròng nhiều tuần trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Khối ngoại mua ròng nhiều tuần trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Sau ba tuần tăng điểm liên tiếp, chứng khoán Việt Nam đã có sự chững lại trong tuần qua (từ 5 - 9/12) để kết tuần với mức giảm nhẹ. Thanh khoản trong tuần qua suy giảm so với tuần tăng mạnh trước đó, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần gần nhất. Điểm đáng chú ý nhất có lẽ là việc khối ngoại "miệt mài" mua ròng mạnh 5 tuần liên tiếp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN