Hong Kong phạt Goldman Sachs 350 triệu USD do liên quan tới bê bối Quỹ 1MDB

Ngày 22/10, Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai (SFC) - cơ quan giám sát các thị trường của Hong Kong (Trung Quốc), đã phạt chi nhánh châu Á của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) số tiền kỷ lục 350 triệu USD vì liên quan tới vụ bê bối tại Quỹ đầu tư Nhà nước 1 Malaysia (1MDB).

Chú thích ảnh
Trụ sở ngân hàng đầu tư Goldman Sachs ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là mức phạt cao nhất mà SFC đưa ra đối với một công ty hoạt động tại trung tâm tài chính châu Á này. 

SFC cho rằng những sai sót nghiêm trọng và yếu kém trong khâu giám sát quản lý ở công ty Goldman Sachs (châu Á) LLC đã góp phần gây nên tình trạng thất thoát 2,6 tỷ USD của Quỹ 1MDB. Theo SFC, công ty Goldman Sachs (châu Á) LLC, đặt trụ sở tại Hong Kong, có liên quan đáng kể tới 3 vụ giao dịch trái phiếu này mà Quỹ 1MDB tiến hành để quyên quỹ vào năm 2012 và 2013. Công ty này đã kiếm được 210 triệu USD từ các vụ giao dịch đó. Người đứng đầu SFC, Ashley Alder, cho biết mức phạt trên được đưa ra sau một cuộc điều tra độc lập. 

Vụ bê bối Quỹ 1MDB gây tốn kém và là nỗi đau kéo dài đối với Goldman Sachs mặc dù ngày 4/9 vừa qua, Malaysia  đã quyết định hủy bỏ các cáo buộc chống lại 3 công ty trực thuộc Goldman Sachs có liên quan đến vụ bê bối tại Quỹ 1MDB gồm Goldman Sachs International có trụ sở tại Anh, Goldman Sachs (châu Á) LLC và Goldman Sachs Pte (Singapore). 

Trước đó, hồi tháng 7, Goldman Sachs đã đạt được thỏa thuận bồi thường 3,9 tỉ USD cho Chính phủ Malaysia để giải quyết những cáo buộc liên quan đến vụ bê bối tham nhũng của Quỹ 1MDB. Trong tuần này, Goldman Sachs được cho là sẽ nhất trí trả thêm hơn 2 tỷ USD để giải quyết những cáo buộc của Mỹ về vai trò của ngân hàng trong vụ bê bối. 

Quỹ 1MDB do cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak sáng lập năm 2009 nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Các nhà điều tra Malaysia và Mỹ cho rằng quỹ này đã để thất thoát khoảng 4,5 tỷ USD trong thời gian từ 2009 - 2015, trong khi khoảng 1 tỷ USD được gửi vào các tài khoản cá nhân của ông Najib.

Vụ bê bối này cũng là một trong những nguyên nhân khiến ông Najib Razak thất bại trong cuộc bầu cử năm 2018. Ông Najib đã bị đưa ra xét xử về vụ bê bối này kể từ khi mất quyền lực, đối mặt với 42 cáo buộc rửa tiền và hối lộ. Tuy nhiên, Ông Najib Razk khẳng định ông vô tội, đồng thời cho rằng các cáo buộc chống lại ông là nhằm mục đích chính trị.

Minh Châu  (TTXVN)
Goldman Sachs: Công ty có nhiều lãnh đạo nữ thường hoạt động tốt hơn
Goldman Sachs: Công ty có nhiều lãnh đạo nữ thường hoạt động tốt hơn

Các nhà chiến lược tại ngân hàng Goldman Sachs nhận định rằng những công ty có nhiều lãnh đạo nữ thường hoạt động tốt hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN