Cụ thể, từ nay đến hết ngày 22/9/2021, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) sẽ "chạy" chương trình giảm giá cho 200 mặt hàng. Đồng thời, Saigon Co.op cũng tích cực giải cứu nông sản và trích một khoản ngân sách từ doanh thu bán bánh trung thu để mua vật phẩm y tế tặng tuyến đầu chống dịch COVID-19.
Ghi nhận tại Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food... đa đạng sản phẩm nước giải khát, thức uống dinh dưỡng, trứng gia cầm, thủy hải sản, thịt gia súc, thịt gia cầm, sản phẩm chế biến sẵn... có mức giảm giá từ 15-20%. Cùng với đó, những điểm bán lẻ này cũng đang tiếp tục giải cứu nông sản của nhiều địa phương trên cả nước.
Điển hình, có thể kể đến mặt hàng chôm chôm giống Java của tỉnh Bến Tre, với sự hỗ trợ của Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân có giá bán khoảng 12.000 đồng/kg. Hay mới đây nhất, mặt hàng trái bơ Booth của huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk với tổng sản lượng hơn 150 tấn, có giá bán 21.900 đồng/kg.
Còn ở nhóm mặt hàng dầu ăn, gạo ST24, cà phê sữa hòa tan, sữa chua uống; nước giặt, nước xả, nước lau sàn, nước rửa chén, dầu gội, kem xả, sữa tắm, kem đánh răng... có mức giá giảm mạnh khi mua sản phẩm thứ 2,4,6 tại hệ thống điểm bán lẻ của Saigon Co.op. Vào những ngày cuối tuần, Saigon Co.op tạo điều kiện cho khách hàng có thể mua được một số sản phẩm đồ dùng và may mặc với mức giảm giá lên đến mức 50%.
Theo bà Vũ Nguyễn Diễm Thi, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food... đã chuẩn bị trữ lượng hàng hóa đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu của người dân, nhất là những nhóm hàng thiết yếu. Song song đó, những điểm bán lẻ này cũng có phương án cung ứng hàng hóa phù hợp với từng cấp độ giãn cách xã hội của từng địa phương tại khu vực Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Đối với những khu vực chưa cho phép người dân đi mua hàng trực tiếp, hệ thống điểm bán lẻ của Saigon Co.op sẽ tập trung hết nguồn lực phục vụ đầu mối mua chung và tiếp tục mở rộng kênh bán hàng online. Saigon Co.op đẩy mạnh tổ chức hình thức mua chung giao hàng tận nơi bằng xe buýt thông qua chuỗi cửa hàng thực phẩm Co.op Food.
Riêng đối với khu vực người dân được đi mua hàng, hệ thống điểm bán lẻ của Saigon Co.op sẽ áp dụng song song kênh mua chung qua đầu mối và bán hàng online. Ngoài ra, hệ thống điểm bán lẻ của Saigon Co.op cũng phục vụ tại chỗ cho người dân được phép mua hàng trực tiếp tại siêu thị theo hướng dẫn của từng địa phương tại TP Hồ Chí Minh.
Cũng trong xu thế tăng cường cách thức tiếp cận người dân, chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra (Satrafoods) thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Satra) đang nhanh chóng đưa vào hoạt động trở lại số lượng lớn cửa hàng Satrafoods trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Hơn thế nữa, Satrafoods triển khai phương thức bán hàng trực tuyến qua đa dạng ứng dụng công nghệ, đẩy nhanh phục vụ hàng hóa đến tay người dân sớm nhất trong thời gian này.
Thống kê đến nay, số lượng cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra (Satrafoods) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang hoạt động là khoảng 165 cửa hàng; trong đó, có 97 cửa hàng thuộc 8 quận, huyện “vùng đỏ”, chiếm tỷ lệ khoảng 59%. Cùng với việc được cấp nhiều hơn số lượng giấy đi đường, Satrafoods đã dần trở lại hoạt động như thời điểm trước khi siết chặt giãn cách. Nhờ vậy, lượng đơn hàng nhanh chóng được giao đến tay người dân trong toàn thành phố, nhất là khu vực "đi chợ hộ" cho người dân.
Tương tự, tại ba siêu thị Satramart, số lượng nhân viên thuộc khu vực siêu thị tự chọn cũng tăng từ 10-25% so với hơn hai tuần trước đây. Với nguồn nhân lực nhiều hơn đã giúp cho hoạt động nhận, soạn và giao đơn hàng đến tay người tiêu dùng sớm hơn. Hệ thống bán lẻ Satra vẫn thường xuyên giao những đơn hàng đến khu vực cách ly tập trung, bếp ăn, khách sạn phục vụ lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 hay đơn hàng thiện nguyện trên địa bàn bàn TP Hồ Chí Minh.
Từ đầu tháng 9/2021, hai siêu thị Satramart là siêu thị Sài Gòn, quận 10 và siêu thị Phạm Hùng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh đã có mặt ở mục “đi chợ” trên ứng dụng Be dành cho người dân thuộc hai địa phương này. Ngoài 12 combo, được thiết kế sẵn với giá chỉ từ 55.000-560.000 đồng/combo, khách hàng còn có thể mua lẻ thực phẩm tươi sống đến các loại nhu yếu phẩm thiết yếu khác.
Theo đại diện Satra, trong suốt thời gian thực hiện giãn cách xã hội cho đến nay, hệ thống bán lẻ Satra vẫn liên tục đàm phán với nhà cung cấp hiện có, tìm kiếm và thương lượng với những nhà cung cấp mới nhằm đảm bảo nguồn hàng không bị đứt gãy, cũng như giá cả được ổn định, hợp lý. Những hoạt động này vẫn luôn được thường xuyên chú trọng thực hiện đã vừa góp phần phong phú nguồn hàng, vừa kết nối nhà cung ứng dịch vụ vận chuyển chuyên nghiệp và ứng dụng online.
Hiện tại TP Hồ Chí Minh có 2.714 điểm cung ứng hàng hóa, trong đó có 92 siêu thị, 9 chợ truyền thống và hơn 2.100 cửa hàng tiện ích đang hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu đến người dân. Với chủ trương tái mở lại hoạt động thương mại theo lộ trình, an toàn đến đâu mở đến đó, nên đối với công tác bổ sung thêm điểm phân phối, bán lẻ hàng hóa thiết yếu khác trong thời gian tới, chính quyền Tp. Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp chủ động kết nối cung - cầu, chú trọng đảm bảo nguồn cung hàng hóa ra thị trường và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.
Báo cáo của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho thấy, ngành Công Thương TP Hồ Chí Minh đã phối hợp nhiều tỉnh, thành tổ chức phân luồng xanh, triển khai phương án giao thông linh hoạt, tạo điều kiện lưu thông thông suốt, vận chuyển hàng hóa lương thực thực phẩm. Đồng thời, tổ chức cấp giấy đi đường cho đối tượng ưu tiên, hỗ trợ khoảng 20.000 người giao nhận (shipper) trên địa bàn quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho hay, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực tự cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Y tế, Công an thành phố và UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức thúc đẩy nhanh công tác tiêm vaccince trong doanh nghiệp, cấp giấy đi đường kịp thời cho đối tượng ưu tiên...
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đang khẩn trương hoàn thiện xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố.
Ngành công thương TP Hồ Chí Minh cũng phối hợp UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai phương án đi chợ 1 tuần/lần cho người dân trên địa bàn đã kiểm soát dịch COVID-19. Cùng với đó, lực lượng liên ngành tổ chức rà soát, đánh giá tình hình mạng lưới chợ truyền thống đang hoạt động, nghiên cứu đề xuất phương án mở lại chợ; tổ chức cấp giấy đi đường cho đối tượng theo quy định, hỗ trợ gia tăng lực lượng shipper theo lộ trình... nhằm bổ sung lực lượng giao nhận trong lĩnh vực kinh doanh ăn, uống mang về.