Liên quan tới việc thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với đối tác tài xế mô tô 2 bánh, phía Grab Việt Nam khẳng định: Hãng luôn lắng nghe góp ý, phản hồi của các đối tác; đồng thời nỗ lực để chất lượng dịch vụ GrabBike và GrabExpress ngày một tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng như cải thiện thu nhập của đối tác.
“Chính vì lý do trên mà trong hai năm 2016 và 2017, để hỗ trợ cho các đối tác tài xế mô tô 2 bánh, Grab Việt Nam đã dùng ngân sách công ty để nộp thay và hoàn thành nghĩa vụ thuế GTGT và thuế TNCN cho đối tác”, đại diện công ty Grab nói.
Theo đó, việc thực hiện thu hộ, nộp hộ nghĩa vụ thuế của đối tác được thực hiện đúng theo công văn số 1531/TCT-TNCN Tổng Cục Thuế ngày 20/04/2017, công văn số 5729/CT-TTHT Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/06/2017, công văn 537/CT-TTHT Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh ngày 11/01/2018 về chính sách thuế với cá nhân tham gia kinh doanh vận tải bằng ứng dụng Grab. Tuy nhiên điều này dẫn tới sự hiểu lầm và có thể gây ra sự không thuận tiện cho đối tác.
Do đó từ ngày 13/1, Grab Việt Nam tạm thời chưa thực hiện việc tạm giữ, nộp hộ nghĩa vụ thuế TNCN và GTGT của đối táctài xế mô tô 2 bánh. |Chúng tôi đã và đang làm việc chặt chẽ với cơ quan thuế để tìm ra phương thức thuận tiện hơn cho các đối tác và sẽ thong báo kịp thời cho đối tác”, đại diện Grab Việt Nam khẳng định.
Sự việc không chỉ xảy ra ở các tài xế GrabBike mà hôm qua, hơn một trăm tài xế ô tô GrabCar đã tập trung trụ sở Grab (phố Duy Tân, Hà Nội) để phản đối việc tăng mức chiết khấu từ 23,6% lên đến 28,36%. Nhiều tài xế đồng loạt tắt ứng dụng để bày tỏ sự bức xúc của mình. Tình trạng này kéo dài dẫn tới tuyến đường bị ách tắc, phương tiện khó qua lại. Trước sự việc này, đại diện phía Grab Việt Nam cho biết: Dự kiến tổ chức đối thoại trực tiếp với các đối tác vào ngày 18/1.
Theo các tài xế, mức chiết khấu mà Grab đưa ra quá cao và không hợp lý so với thu nhập thực tế; đồng thời bày tỏ mong muốn đưa mức chiết khấu về 15% như trước. Anh Nguyễn Văn Hải bức xúc: “Thu nhập của tôi chỉ khoảng một triệu đồng với thời gian àm việc từ 12 – 13 tiếng, chưa kể phải trừ hao cả xăng xe và các chi phí khác. Với mức chiết khấu 28,36%, tài xế sẽ mất khoảng 1/3 tổng thu nhập. Con số này quá lớn, không đủ để trang trải cuộc sống. Đó là chưa kể những tài xế đang phải vay mượn ngân hàng mua xe ô tô trả góp”.
Trước đó, GrabTaxi Việt Nam đã thông báo với các tài xế GrabCar về việc tăng chiết khấu dịch vụ từ 23% lên 25%. "Mức tăng thêm 3,6% là công ty chỉ kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế cho lái xe dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh thu các đối tác nhận về. Vệc kê khai, thu hộ và nộp các nghĩa vụ thuế chỉ áp dụng với những đối tác có doanh thu bắt buộc phải nộp thuế trên 100 triệu đồng/năm", đại diện Grab Việt Nam lý giải.