Thị trường tài chính “rung lắc” nhẹ
Cụ thể, ngày 19/12, Fed đã tăng lãi suất thêm 0,25% sau cuộc họp 2 ngày của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang. Đây là lần nâng lãi suất thứ 4 năm nay của Fed, gây bất ngờ cho thị trường vàng, ngoại tệ và là lần nâng lãi suất thứ 9 kể từ tháng 12/2015.
Nếu như trước khi Fed công bố tăng lãi suất, giá vàng tăng mạnh lên mức 1.260 USD/ounce thì ngay sau khi có tin điều chỉnh lãi suất, giá vàng giảm xuống 1.245 USD/ounce và duy trì cho đến sáng 20/12. Tại thị trường trong nước, giá vàng SJC giao dịch tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn mua vào ở mức 36,21 triệu đồng/lượng, bán ra 36,39 - 36,41 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ 20.000 đồng/lượng.
Cũng trong hôm nay, giá USD đồng loạt giảm từ 5 - 20 đồng/USD so với chiều 19/12. Tại Eximbank, giá USD giảm 20 đồng, giá mua còn 23.230 - 23.250 đồng/USD, giá bán còn 23.330 đồng/USD. Tại Vietcombank, giá USD giảm 15 đồng, giá mua là 23.250 đồng, giá bán còn 23.340 đồng.
Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ ở mức 22.785 đồng/USD. Trong khi đó tại thị trường tự do, giá USD tiếp tục giảm nhẹ với chiều bán ra 5 đồng, giao dịch ở mức 23.360 đồng/USD, mua vào là 23.350 đồng/USD.
Thị trường chứng khoán phiên hôm nay cũng lao dốc mạnh. Nếu như sáng nay, VN-Index giằng co quanh tham chiếu thì tới phiên giao dịch chiều, VN-Index bất ngờ lao mạnh xuống dưới ngưỡng 915 điểm ngay đầu phiên do lực bán ra tại một số mã lớn.
Chốt phiên giao dịch ngày 20/12, VN-Index giảm 1 điểm (-0,11%), xuống 918,24 điểm với 144 mã tăng và 140 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 146,89 triệu đơn vị, giá trị 3.643,45 tỷ đồng, giảm 21% về khối lượng và 20,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 39 triệu đơn vị, giá trị 1.398,78 tỷ đồng.
Còn HNX-Index dù cũng bị đẩy mạnh xuống mức thấp nhất ngày ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, nhưng sau đó đã hồi phục trở lại và giữ được sắc xanh tốt khi chốt phiên. Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,36 điểm (+0,35%), lên 104,53 điểm với 71 mã tăng và 53 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 41,34 triệu đơn vị, giá trị 615,63 tỷ đồng, giảm 9% về khối lượng và tương đương về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,95 triệu đơn vị, giá trị 244 tỷ đồng.
Lo ngại sức ép lên tỷ giá và xuất khẩu
Đề cập về diễn biến tỷ giá năm nay, các chuyên gia tài chính tính toán: Tính đến cuối ngày 20/12, tỷ giá đã tăng 2,6% so với đầu năm. Việc tăng lãi suất của Fed có thể gây sức ép lên chính sách tiền tệ trong nước và tình hình xuất khẩu.
Việt Nam đồng (VNĐ) đã chịu sức ép từ tỷ giá trong năm 2018. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá ít nhất 3 lần điều chỉnh tăng. Nếu so với ngày 1/1/2018, tỷ giá bán ra tại Vietcombank là 22.735 đồng và tới sáng nay, ngân hàng này niêm yết bán ra ở mức 23.325 đồng thì tỷ giá đã tăng 2,6%.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, nguyên nhân tỷ giá tăng liên tiếp và tăng cao nhất từ đầu năm đến nay là do thời điểm cuối năm nhu cầu về ngoại tệ trong nước lớn khi nhiều doanh nghiệp đã đến hạn phải thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa cho các đối tác cũng như trả nợ các khoản vay ngoại tệ.
“Đồng USD được dự báo tiếp tục tăng giá trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm 2018 khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn khá căng thẳng và Trung Quốc có xu hướng dùng công cụ chính sách tiền tệ để giảm tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại. Ngoài ra, thường trước Tết Nguyên đán trong chu kỳ tăng nên có lẽ tất cả từ NHNN đến các ngân hàng thương mại đều lên kịch bản để đối phó với trường hợp nhu cầu ngoại hối tăng”, TS Trí Hiếu nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Fed tăng lãi suất cũng đúng vào dịp các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị cung cầu cho Tết Nguyên đán, chuẩn bị nguồn tiền để trả lương thưởng cho cán bộ công nhân viên nên lo ngại sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, khả năng lãi suất cũng sẽ phải tiếp tục tăng.
Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt phân tích: Năm 2018, VNĐ là một trong những đồng tiền có sức chống chọi tốt nhất trước các đợt tăng lãi suất của Fed. Việt Nam cũng là nước duy nhất tại khu vực Đông Nam Á chưa phải tăng lãi suất điều hành trong năm 2018.
Việc giữ cho VNĐ không bị mất giá quá mạnh được NHNN thực hiện chủ yếu qua việc rút bớt thanh khoản ra khỏi hệ thống ngân hàng, tạo sự khan hiếm VNĐ, qua đó bảo vệ giá trị của đồng nội tệ.
Mặc dù Fed sẽ tiếp tục lộ trình tăng lãi suất vào năm 2019 nhưng về cơ bản, tần suất tăng sẽ ít dần.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Báo Việt cho rằng áp lực đối với VNĐ trong năm 2019 sẽ không nhiều như năm 2018. Tuy vậy, sự thận trọng là cần thiết nên Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng vẫn sẽ điều hành thanh khoản theo hướng chặt chẽ, khó có khả năng VNĐ được đẩy ra thị trường quá nhiều như nửa đầu năm 2018.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fullbringt Việt Nam nói: “Fed tăng lãi suất là dự đoán của thị trường và tác động của việc tăng lãi suất này cũng được các nhà hoạch định tính và định giá trên thị trường chứng khoán. Đây là một chính sách trong lộ trình thắt chặt tiền tệ đối với nền kinh tế Mỹ nhưng cũng có tác động đối với thị trường Việt Nam. Nếu muốn ổn định tỷ giá thì lãi suất tiền đồng cũng phải điều chỉnh tăng. Nhìn vào 2019, trước mắt phải đợi động thái của NHNN trước áp lực này liệu có điều chỉnh chính sách lãi suất hay không, nếu có điều chỉnh thì cũng ở mức khiêm tốn”.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Xuân Nghĩa, Fed tăng lãi suất tức là làm cho đồng USD tăng giá và cũng là dấu hiệu làm cho tăng trưởng kinh tế Mỹ tiếp tục giảm. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm sau chỉ đạt 2,5% so với năm nay là 2,9%. Xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng trong năm tới, tức là đồng VNĐ sẽ tăng giá so với những đồng tiền khác đặc biệt là những đồng tiền của các đối tác thương mại ngoài Mỹ. Đây là điều mà các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu kỹ để xử lý, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường khác như EU, Trung Quốc, Nhật Bản khi mà chúng ta tham gia vào FTA.
"Tác động của Fed tăng lãi suất cũng tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo hướng tiêu cực hơn. Ngoài ra, làm cho việc điều hành tỷ giá của NHNN cũng phải thận trọng hơn. Trong khi đó, lãi suất VND cũng phải chịu sức ép nếu như các ngân hàng muốn duy trì tỷ giá hối đoái như cũ, nghĩa là sẽ phải tăng lãi suất. Bên cạnh đó, Fed tăng lãi suất cũng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng, trên cơ sở đó ảnh hưởng đến sản xuất trong nước", ông Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.