Khoảng 1 giờ 36 phút sáng 1/7 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.806,55 USD/ounce, và ước tính giảm hơn 6% trong quý này. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,6% xuống 1.807,3 USD/ounce.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao tại Kitco Metals cho biết vàng khép lại quý này trong xu hướng giảm do các đề xuất chính sách thắt chặt hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ngoài ra, có nhiều khả năng những lo lắng về suy thoái kinh tế sẽ làm giảm nhu cầu đối với nhiều loại hàng hóa.
Tại hội nghị thường niên của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Bồ Đào Nha, người đứng đầu các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới cho biết việc giảm lạm phát đang ở mức cao sẽ rất khó khăn và có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng, nhưng cần phải nhanh chóng đưa ra các biện pháp để ngăn chặn đà tăng giá kéo dài.
Chỉ số đồng USD đã giao dịch gần mức “đỉnh” của 20 năm và dự kiến tăng 0,6% trong quý này, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn cho những người mua nước ngoài.
Vàng đã có lúc tăng trong phiên này sau số liệu cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân tại Mỹ trong tháng 5/2022 đã tăng 6,3% sau khi tăng mức tương ứng trong tháng 4/2022. Tuy nhiên, giá vàng đã nhanh chóng quay trở lại giao dịch trong biên độ hẹp ghi nhận được trong vài phiên trước đó.
Nhà phân tích Wyckoff cho hay ban đầu số liệu trên đã cung cấp cho các nhà giao dịch ý tưởng rằng vì lạm phát không tồi tệ hơn tháng trước, có lẽ Fed sẽ không quá mạnh tay, qua đó hỗ trợ vàng. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang giảm mạnh và những người bán đầu cơ đã "vào cuộc" để đẩy giá xuống.
Vàng thường được hưởng lợi từ lạm phát cao, nhưng lãi suất tăng làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,8% xuống 20,33 USD/ounce, giá bạch kim giảm 2,1% xuống 897,90 USD/ounce, còn giá palladium giảm 1,3% xuống 1.936,07 USD/ounce.
Giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 68,3 - 68,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).